Sinh thời, William Thackeray còn có một số tác phẩm được đánh giá cao về cả giá trị tư tưởng và nghệ thuật, song đến nay, nhắc đến tên tuổi Thackeray, người ta gần như chỉ nói đến "Hội chợ phù hoa". Cuốn sách được xem là một trong 5 tiểu thuyết Anh ngữ hay nhất mọi thời đại.
William Thackeray, đại diện ưu tú của văn học hiện thực phê phán Anh. |
Sinh ngày 18/7/1811 tại Calcutta, Ấn Độ, Thackeray là con đầu lòng và cũng là duy nhất của bà Anne Beccher - một hoa khôi bấy giờ và là thư ký cho Công ty Đông Ấn Độ - với ông Richmond Thackeray - lãnh đạo cao cấp của công ty này.
Về gia đình, William Thackeray là người cực kỳ bất hạnh, song ông vẫn rất hài hước. Năm 1837, ông đã cho in trên tạp chí Frasers một chùm truyện hài hước và ít nhiều đã để lại ấn tượng trong bạn đọc. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Thackeray mang đậm yếu tố trào lộng có tên “Catherine” được xuất bản trên tạp chí Frasers từ tháng 5/1839 tới tháng 2/1840.
Năm 1840, Thackeray cho ấn hành tập sách du ký "Tập ký họa thành Paris" và 3 năm sau là "Tập ký họa xứ Ailen". Cả hai cuốn sách đều ít nhiều thu hút độc giả. Trên đà thắng lợi, năm 1844, Thackeray cho xuất bản tiểu thuyết "May mắn của Barry Lyndon", một cuốn sách biếm họa chân dung một kẻ bình dân cố tìm mọi cách để "đánh đu" được vào tầng lớp quý phái. Cuốn tiểu thuyết đã nhận được những ý kiến trái chiều. Người khen cũng nhiều mà kẻ chê cũng lắm. Tất cả những điều ấy đã khiến Thackeray trở nên một nhân vật khiến giới phê bình lúc bấy giờ không thể không "để mắt" tới.
Một cảnh trong bộ phim “Hội chợ phù hoa” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thackeray. |
Thackeray tiếp tục đánh động lòng tự ái của giới quý tộc hợm hĩnh bằng cuốn "Truyện về các trưởng giả học làm sang người Anh do một người trong bọn kể lại" vào năm 1846. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tập hợp các bài tiểu luận đả kích những thói "rởm đời" phát triển tràn lan trong xã hội Anh thời ấy. Phải đến khi tiểu thuyết "Hội chợ phù hoa" ra đời năm 1847, sự bực bội của giới quý tộc Anh dành cho Thackeray mới chuyển sang đỉnh điểm, trở thành sự ác cảm, thù hận.
Được coi là một trong 5 tiểu thuyết Anh ngữ hay nhất mọi thời đại, "Hội chợ phù hoa" là câu chuyện về thiếu nữ Rebecca Sharp, có cha là một họa sĩ đàng điếm, mẹ là một vũ nữ, song cùng với nhan sắc trời cho và sự lanh lợi khôn ngoan, đã từng bước luồn sâu, leo cao vào đời sống của giới thượng lưu, thậm chí còn được yết kiến cả Hoàng đế Giorge Đệ tứ. Nhưng rồi, chính tham vọng khôn cùng đã làm hại cô ta. Người đàn bà nhiều xảo thuật kết cục đã bị chính giới thượng lưu ruồng rẫy, khiến cô ta ngày càng lún sâu vào vũng bùn trụy lạc… Thông qua chuyện đời của người đàn bà này, Thackeray muốn lên án cái xã hội mà ở đó, nhiều chân giá trị đã bị đảo lộn…
Tác phẩm “Hội chợ phù hoa” là một trong 5 tiểu thuyết Anh ngữ hay nhất mọi thời đại. |
Tuy nhiên, Thackeray không chỉ làm một việc là phê phán, mà ông vẫn ca ngợi những tình cảm cao quý như tình cảm gia đình, bạn bè và lòng chung thủy... Đứng trước những cảnh đời xấu xa, ông vẫn không mất hết lòng tin đối với bản chất tốt đẹp của con người.
"Hội chợ phù hoa" là bộ sách được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt và không ngừng chinh phục các thế hệ độc giả. Bộ sách cũng đã nhiều lần được dựng thành phim và luôn nằm trong danh mục 50 cuốn sách đáng đọc nhất trong văn học thế giới từ trước tới nay. “Hội chợ phù hoa” đã đưa ông lên ngang tầm với những nhà văn hiện thực ưu tú nhất của thế giới như Dickens, Balzac...
Là một nhà văn trung thành với thể loại trào phúng, nhưng bút pháp của tác giả không đơn điệu mà rất uyển chuyển, lời văn có khi mộc mạc, giản dị, có lúc tinh tế cầu kỳ, có khi sôi nổi, nhiệt tình, có lúc lạnh lùng khách quan, có khi đẹp đẽ thanh tao, nhưng cũng có lúc thô bạo, tàn nhẫn... Có thể nói, khi mổ xẻ những ung nhọt của xã hội, ông có cái táo bạo, lạnh lùng của nhà giải phẫu, nhưng trong những đoạn văn trữ tình, ông cũng có cái nâng niu, tinh tế của người tỉa lá trồng hoa.
Sau “Hội chợ phù hoa”, William Thackeray tiếp tục cho ra đời những cuốn tiểu thuyết lớn như Pendennis, Gia đình Newcome, và Henry Esmond… Với một loạt các tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển, William Makepeace Thackeray được tôn vinh là người đại diện ưu tú của văn học Anh thế kỷ XIX.
William Thackeray mất ngày 24/12/1863, ở tuổi 52. Để tưởng nhớ ông, người ta đã tạc tượng ông và đặt tại tu viện Westminster.