“Bước ngoặt cuộc đời từ mùa thu năm 1945”

Những ngày tháng Tám mùa thu Cách mạng, chúng tôi được gặp những nhân chứng lịch đã trực tiếp tham gia vào cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội năm 1945.

Những thanh niên Cứu Quốc thành Hoàng Diệu ngày đó, với tuổi đời chỉ 18 - 20, thậm chí chỉ 13 - 14 tuổi, đã hăng hái tham gia cách mạng. Đã 70 năm từ ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, nhưng khi hồi tưởng lại những ngày sục sôi mùa thu năm 1945, tôi vẫn thấy đây là quãng thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời, là bước ngoặt của cuộc đời”, ông Lê Đức Vân, Trưởng Ban liên lạc Thanh niên Cứu Quốc thành Hoàng Diệu chia sẻ.

Năm 1945, ông Lê Đức Vân vừa mới 17 tuổi, là học sinh trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An). “Lúc ấy, lực lượng chiếm đóng của Nhật, Pháp rất lớn, mật thám dày đặc ngày đêm lùng sục, bắt bớ mọi lực lượng, tổ chức hoạt động của ta. Chúng dùng mọi thủ đoạn chui vào tổ chức của ta để phá hoại. Nhiệm vụ lúc đó là phải khẩn trương, tìm cách vận động để đông đảo người dân Thủ đô hiểu các hoạt động cách mạng, căm ghét quân thù, sẵn sàng đứng lên đi theo cách mạng. Tháng 8/1944, tại số 46 Bát Đàn (Hà Nội), Đoàn thanh niên Cứu Quốc thành Hoàng Diệu được thành lập, gồm khoảng 60 đoàn viên, là học sinh các trường Bưởi, Đồng Khánh, Gia Long, Thăng Long, Văn Lang... Thường xuyên đối mặt với nguy hiểm nhưng thanh niên luôn tổ chức những cuộc diễn thuyết chớp nhoáng, công khai về tổ chức Việt Minh ở các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp...”, ông Vân kể.

Ông Nguyễn Hải Hùng.


Nhiệt huyết của những thanh niên Cứu Quốc thành Hoàng Diệu mạnh mẽ, sục sôi khắp Hà Nội như cỏ khô gặp ngọn lửa bùng cháy. Ông Nguyễn Hải Hùng, cựu thanh niên Cứu Quốc thành Hoàng Diệu, đội trưởng đội tự vệ tuyên truyền lúc bấy giờ kể lại: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thanh niên chúng tôi cũng là lực lượng xung kích, đi đầu. Rõ nhất là cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim ngày 17/8/1945. Ngay từ đầu ta có chủ trương phá cuộc mít tinh đó, nên đã huy động tất cả hội viên trong Mặt trận Cứu quốc đi dự. Khi đi, thành viên nào cũng phải mang theo cờ đỏ sao vàng trong túi, đứng xen lẫn với người dân. Một thanh niên người làng Ngọc Hà bấy giờ đã xông lên hô giữa biển người: “Bà con theo tôi!” rồi lấy cờ đỏ sao vàng từ trong túi ra phất cao, cuộc mít tinh của địch đã trở thành cuộc mít tinh của ta. Tất cả các ngả đường, người dân đều hô vang: “Ủng hộ Việt Minh! Việt Nam độc lập! Đả đảo bù nhìn!”.

“Có thể nói ngày 17/8 là ngày có tính quyết định đối với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội bởi qua đó có thể thăm dò được thái độ của quân Nhật đang đóng tại Hà Nội. Lúc đó, lực lượng vũ trang của ta chỉ có khoảng 700 người, trong khi quân Nhật đóng xung quanh khu vực Hà Nội khoảng 10.000 quân. Do đó, sau ngày 17/8/1945, khí thế giành chính quyền tại Hà Nội sôi sục hơn bao giờ hết. Nhưng nhờ có hoạt động tuyên truyền sâu rộng của đoàn thanh niên Cứu Quốc thành Hoàng Diệu, 25 vạn đồng bào tuy không ở trong tổ chức Việt Minh nhưng tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng theo Việt Minh đã rất rõ. Ủy ban Khởi nghĩa quyết định nổi dậy ngày 19/8”, ông Hùng kể.

Ngày 19/8/1945, mới sớm tinh mơ, các thành viên của Đoàn thanh niên Cứu Quốc thành Hoàng Diệu đã hòa vào dòng người Thủ đô, rầm rập tiến về Nhà hát Lớn, nghe lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa. Khi cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành; Đoàn thanh niên Hoàng Diệu, các đội tự vệ chiến đấu dẫn đầu đi chiếm các công sở cho đến khi Hà Nội hoàn toàn thuộc về tay người dân. Ngày 2/9, đoàn thanh niên có vinh dự lớn được làm hàng rào danh dự bảo vệ lễ đài nơi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.

Và ngày 2/9/1945 cũng đi vào lòng bao người, trong đó có nhạc sĩ Doãn Nho, khi ấy mới 13 tuổi. Tận mắt chứng kiến hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay thời điểm đó là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ viết giai điệu bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ” sau này và những ca khúc cách mạng khác như, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Người mẹ Quảng Nam”… Nhạc sĩ Doãn Nho kể lại: “Năm 1945, tôi tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh với nhiệm vụ tuyên truyền vận động trong thiếu nhi và phổ biến các bài hát cách mạng”.

Nhạc sĩ Doãn Nho.


Hồi ấy, Ban chấp hành Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu hay họp tại nhà nhạc sĩ Doãn Nho, ở làng Cót, xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm (nay là quận Cầu Giấy). Năm 1945, Doãn Nho tham gia làm giao thông liên lạc trong Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, là người nhỏ tuổi nhất, ông chủ yếu chạy công văn giấy tờ, thỉnh thoảng kéo đàn violin cho đội giải trí. “Cuối tháng 8/1945, tôi được các anh đảng viên giao nhiệm vụ báo tin cho bạn bè, dân làng cùng tham gia chuẩn bị buổi mít tinh mừng ngày Quốc khánh. Các anh dạy cho tôi bài hát “Nhanh bước nhanh nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã, tôi có nhiệm vụ dạy lại cho các bạn bè mình, lĩnh xướng để hát vang trong những buổi lễ”. nhạc sĩ Doãn Nho kể lại. Sáng 2/9/1945, cậu bé Doãn Nho 13 tuổi dậy thật sớm, hòa vào dòng người đông đúc, đi bộ 5 km từ xã Yên Hòa (Từ Liêm) đi theo đường Kim Mã tiến tới quảng trường dự lễ mít tinh mừng ngày Độc lập.

Ông Lê Đức Vân chia sẻ: “Cách mạng tháng Tám đã rèn luyện cho đội ngũ thanh niên Hà Nội một bản lĩnh chính trị vững vàng,  quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. Sau này, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã được Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô xác nhận là một tổ chức tiền thân của các lực lượng vũ trang cách mạng Thủ đô.  
 
XM
Vùng lõm chính trị Bàn Cờ -  Căn cứ lòng dân
Vùng lõm chính trị Bàn Cờ - Căn cứ lòng dân

Trong suốt những năm tháng chiến tranh, Vùng lõm chính trị Bàn Cờ (thuộc quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) đã gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN