Vĩnh Quỳnh những ngày thu tháng 8

Vĩnh Quỳnh - mảnh đất phía Nam Thủ đô Hà Nội không chỉ có lịch sử, văn hóa lâu đời, mà còn là vùng đất cách mạng. Mùa thu 70 năm trước, nhân dân xã Vĩnh Quỳnh đã cùng với nhân dân Thủ đô đứng lên lật đổ ách áp bức của thực dân Pháp, giành độc lập, tự do.

Về Vĩnh Quỳnh những ngày thu này, hẳn ai cũng ấn tượng bởi bộ mặt của xã, với đường làng ngõ xóm khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng tốt lên. Đó là nhờ những cố gắng của chính quyền và nhân dân xã, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành xã Nông thôn mới trong năm nay.

Đình Quỳnh Đô - địa danh gắn liền với những dấu mốc cách mạng trong mùa thu 1945 của xã Vĩnh Quỳnh.


Vĩnh Quỳnh nằm ở trung tâm huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Đây là nơi có di chỉ Chùa Thông, niên đại khoảng 2.700 năm - một trong những trung tâm sinh sống của người Việt cổ. Vĩnh Quỳnh còn được biết đến là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” với tinh thần thượng võ. Tương truyền, đây là nơi sinh của hai vị tướng phò vua Hùng thứ 18 và một nữ tướng giúp Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa những năm đầu Công nguyên. Làng Quỳnh Đô trong câu ca dao “Lò vật Quỳnh Đô, giỏ cua Cổ Điển” nổi tiếng với tinh thần thượng võ - đấu vật.

Vĩnh Quỳnh còn là mảnh đất cách mạng. Ông Dương Văn Khúc, năm nay đã ở tuổi bát thập, nhớ lại những năm trước cách mạng: “Trước năm 1945, tôi mới khoảng 10 tuổi nhưng vẫn còn nhớ cuộc sống khi ấy vô cùng khổ cực. Quanh năm thiếu ăn thiếu mặc, nhà cửa dột nát, phần lớn là tranh tre, mái rạ, vách đất. Hàng ngày chỉ ăn cháo, ăn khoai, bữa cỗ nào có một ít thịt mỡ ăn là sung sướng lắm”. 90% người dân Vĩnh Quỳnh khi ấy mù chữ, phải chịu cảnh đè đầu cưỡi cổ của Pháp và bọn cường hào ác bá. Chúng bắt nhân dân đóng biết bao loại thuế má, nhiều người không chịu nổi phải bỏ quê đi phiêu dạt. Theo thống kê của phòng văn hóa xã, nạn đói khủng khiếp năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của hơn 60 người dân Vĩnh Quỳnh.

Vĩnh Quỳnh đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.


Trong cuộc đời cùng cực, đen tối và đầy rẫy bất công ấy, những cuộc đấu tranh yêu nước đã nổ ra khắp nơi trên cả nước, trong đó có nhân dân xã Vĩnh Quỳnh. Tháng 5/1930, Chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông được thành lập. Từ đó, tư tưởng cách mạng, phong trào đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh đã lan rộng ra các vùng nông thôn. Vĩnh Quỳnh trở thành cơ sở hoạt động an toàn. Trong đó, miếu Trúc (Quỳnh Đô), chùa Đống (Ích Vịnh) và thôn Vĩnh Ninh là cơ sở cho cán bộ cấp cao của Đảng hoạt động, đồng thời là nơi liên lạc của cán bộ Việt Minh.

Năm 1943, phong trào đấu tranh trong quần chúng nhân dân Vĩnh Quỳnh do Việt Minh lãnh đạo đã lên cao. Giặc Nhật phá 25 mẫu ngô, lúa ở Quỳnh Đô và 12 mẫu lúa ở Ích Vịnh để trồng đay càng làm tinh thần đấu tranh của nhân dân sôi sục. Với các khẩu hiệu: chống cường hào, chống áp bức bóc lột, phản đối thực dân Pháp, phát xít Nhật... , nhân dân Vĩnh Quỳnh đã tiến hành trồng chậm, trồng không đủ diện tích, nộp thóc non, thóc trộn đất cát cho Nhật... Việc chống nộp thóc cho Nhật đã trở thành phong trào rộng rãi khiến cho tên quan huyện phải về điều hành trực tiếp việc thu thóc, chửi bới và đánh đập cả lí trưởng, trương tuần.

Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Quỳnh là hậu cứ nuôi giấu cán bộ cách mạng, tập kết lương thực, thực phẩm và là bàn đạp để ta tiến công đánh địch ở nội thành. Ghi nhận thành tích của xã Vĩnh Quỳnh, Đảng và Nhà nước đã trao tặng xã danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp hồi tháng 4 vừa qua.

Ông Đỗ Khắc Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Quỳnh cho biết, tháng 4/1945, đồng chí Khuất Duy Tiến, cán bộ Việt Minh đã về Vĩnh Quỳnh vận động tổ chức phong trào thợ thủ công ở xưởng làm khuy của cụ Nguyễn Ngọc Lương ở Vĩnh Ninh. Phong trào phát triển tốt không chỉ trong công xưởng mà còn lan ra cả nông dân Vĩnh Ninh. Từ đó, nhiều tuyên truyền viên của thợ thủ công đã được cử lên đường 70A rải truyền đơn, treo cờ búa liềm, dán khẩu hiệu chống giặc Pháp - Nhật ủng hộ Việt Minh, đồng thời quần chúng nhân dân trong xã đều sôi sục không khí chống Pháp đánh Nhật. Tại đình Quỳnh Đô, đình Vĩnh Ninh, cờ đỏ sao vàng đã được treo. Truyền đơn được rải khắp xã.

Trong không khí cách mạng sôi sục tháng 8/1945, nhân dân Vĩnh Quỳnh dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đã đứng lên giành chính quyền và thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời. “Đêm 17/8/1945, tự vệ xã đã phối hợp tự vệ các xã lân cận, chặn đánh 2 xe lính khố xanh, tước vũ khí, thu 26 súng; chiến đấu tiêu diệt 12 tên địch. Đêm 22/8 đã khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân”, ông Dũng cho biết.

Trong khí thế sôi nổi của cao trào Cách mạng tháng Tám, nhân dân Vĩnh Quỳnh lại tiếp tục tham gia khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội vào ngày 19/8 và tham gia giành chính quyền ở tỉnh Hà Đông vào ngày 20/8. Ngày 25/8, nhân dân trong xã phấn khởi mang cờ, khẩu hiệu tham gia cuộc mít tinh lớn ở vườn hoa Cửa Cấm để chào mừng UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Hà Đông chính thức ra mắt đồng bào.

Nhớ lại không khí của xã Vĩnh Quỳnh những ngày thu tháng Tám ấy, bà Nguyễn Thị Hòa (năm nay đã ngoài 75 tuổi) vui vẻ kể lại: “Năm đó các cụ nhà tôi phấn khởi lắm. Sau khi giành được chính quyền, ngày 2/9 bà con kéo nhau lên Quảng trường Ba Đình nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Các bài hát về Cách mạng như Diệt phát xít, Mười chín Tháng Tám vang lên khắp nơi. Trẻ con chúng tôi khi đó không hiểu hết ý nghĩa của ngày này nhưng cũng vui lắm. Suốt ngày đi múa hát văn nghệ”.

70 năm đã trôi qua, nhưng kí ức về những ngày tháng hào hùng của dân tộc vẫn sống mãi trong tâm trí những người như ông Khúc, bà Hòa cũng như bao người dân xã Vĩnh Quỳnh khác.

Trường Dương
Chợ Đệm - cái nôi của Cách mạng tháng Tám tại Nam Bộ
Chợ Đệm - cái nôi của Cách mạng tháng Tám tại Nam Bộ

Đi theo con đường quốc lộ 1A, chúng tôi đến với xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), nơi có con sông Chợ Đệm chảy qua với một truyền thống hào hùng trong lịch sử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN