Kỳ 1: Kim Nhật Thành - nhà ngoại giao cơ trí và linh hoạt
Để chuẩn bị cho chuyến thăm CHDCND Triều Tiên của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phái chuyên gia phụ trách các vấn đề châu Á, Selig S. Harrison, đến Bình Nhưỡng. Ngày 9/6/1994, Harrison tiếp kiến Chủ tịch Kim Nhật Thành. Lúc này, mặc dù đã bước sang tuổi 82, nhưng Kim Nhật Thành vẫn tráng kiện, vẻ mặt hồng hào, tiếng nói sang sảng, đặc biệt là tinh lực rất dồi dào. Điều làm nhà ngoại giao kỳ cựu của nước Mỹ này ngạc nhiên là Kim Nhật Thành hoàn toàn không giống một nhân vật cố chấp bậc nhất như trong tưởng tượng trước đó của ông ta. Bởi trên thực tế Kim Nhật Thành đã thể hiện là một nhà ngoại giao linh hoạt và đầy cơ trí.
Trong buổi gặp gỡ với Harrison ngày 9/6, Kim Nhật Thành khẳng định Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể ngừng chương trình hạt nhân, nhưng Oasinhtơn phải đưa ra một số hành động cụ thể trước như công nhận CHDCND Triều Tiên về mặt ngoại giao. Kim Nhật Thành còn nói một cách hài hước rằng: Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân hoàn toàn là để bảo vệ mình và nếu Mỹ cung cấp cho CHDCND Triều Tiên lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ thì khi có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân rồi, Bình Nhưỡng ngược lại còn đảm bảo an ninh cho bán đảo Triều Tiên. Sau khi phân tích những nội dung trao đổi với nhà lãnh đạo Triều Tiên, Harrison rút ra một kết luận quan trọng là Kim Nhật Thành không muốn hành động trong vấn đề vũ khí hạt nhân, thậm chí còn hy vọng tăng cường khơi thông quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau với các nước Âu, Mỹ. Tin này lập tức được báo cáo về Nhà Trắng.
Cũng trong ngày 9/6, tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Thâm đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Han Sung-joo. Xơun hy vọng Trung Quốc, nước giữ vai trò Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ sẽ ủng hộ việc áp dụng biện pháp chế tài đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, yêu cầu này đã gặp phải sự cự tuyệt của Bắc Kinh. Ngoại trưởng Tiền Kỳ Thâm cho rằng việc duy trì tình trạng phi hạt nhân cũng như hoà bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên là cần thiết, nhưng cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên phải được giải quyết thông qua đàm phán.
Ngày 12/6, từ Hàn Quốc, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đi qua giới tuyến ngừng bắn, bắt đầu chuyến thăm CHDCND Triều Tiên. Một ngày sau, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đột nhiên có sự thay đổi.
Ngày 13/6, Bình Nhưỡng tuyên bố lập tức rút khỏi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IEAE). Hành động này được giới phân tích nhìn nhận là phía Triều Tiên muốn bắn đi tín hiệu rằng nước này sẵn sàng chiến đấu nếu bị trừng phạt và các cơ sở hạt nhân bị thanh sát. Không ai dám coi những tuyên bố của Chủ tịch Kim Nhật Thành là lời nói đùa. Cho dù lúc đó thiên tai khiến Bình Nhưỡng rơi vào cảnh thiếu hụt lương thực nghiêm trọng, nhưng thực tế cho thấy tốc độ đổi mới vũ khí trang bị của Quân đội Nhân dân Triều Tiên không hề giảm. Carter cũng như các nhân vật tai to mặt lớn trên chính trường Mỹ khác một mặt theo dõi nhất cử nhất động của Kim Nhật Thành, một mặt hết sức quan tâm chú ý tới thái độ của Trung Quốc.
Trong khi đó, ngay từ tháng 10/1991, Kim Nhật Thành đã sang thăm Trung Quốc, hội đàm với Giang Trạch Dân và Dương Thượng Côn. Với tư cách một người bạn cũ, Đặng Tiểu Bình cũng có cuộc hội kiến với Kim Nhật Thành. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho rằng trong bối cảnh Liên Xô sụp đổ, Đông Âu chuyển hướng, Oasinhtơn lại vừa giành chiến thắng trong Chiến tranh Vùng Vịnh, người Mỹ rất có thể sẽ có những sách lược đánh bại, buộc các nước xã hội chủ nghĩa còn lại tuân theo sự chi phối của mình. Trung Quốc nên gánh vác trách nhiệm là lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế để đấu tranh với Mỹ. Kim Nhật Thành cũng yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo. Giang Trạch Dân đã trả lời Kim Nhật Thành rằng Trung Quốc quyết không đứng ở hàng đầu. Nhiệm vụ cấp bách của Trung Quốc hiện nay là phát triển kinh tế. Thế giới đã bước vào thời đại đa nguyên hóa, Mỹ không thể muốn làm gì thì làm. Trung Quốc sẽ không đứng nhìn trong trường hợp Triều Tiên đi đe dọa quân sự. Trong cuộc hội đàm lần này, Chủ tịch Kim Nhật Thành cũng thông báo với phía Trung Quốc rằng, do vấn đề tuổi tác, ông sẽ rút dần khỏi tuyến đầu và việc chủ trì công tác sẽ do con trai cả Kim Chính Nhật đảm nhiệm.
Minh Thành (Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc)
Đón đọc kỳ sau: Chiếc máy bay trực thăng rơi và …