Họ coi đó là tiền lệ chưa từng xảy ra khi một người ngoại đạo chưa từng có kinh nghiệm trên chính trường lại giành được số phiếu đảm bảo tấm vé ứng viên duy nhất của đảng chạy đua vào Nhà Trắng. Song trên thực tế trường hợp như vậy đã xảy ra vào năm 1848, khi Tướng Zarachy Taylor - một người theo nghiệp lính chưa từng nắm giữ bất kỳ vị trí quản lí hành chính nào - lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống.
Anh hùng dân tộc
Sinh năm 1784 trong một gia đình khá giả và sở hữu nhiều nô lệ tại miền Nam Mỹ, ông Taylor trở thành sĩ quan quân đội ở tuổi 23. Gây dựng được danh tiếng của mình trong trận chiến Da đỏ Seminole thứ hai, thể hiện được tài năng khi dẫn dắt đoàn quân vượt qua vùng đầm lầy trong Trận đấu Okeechobe và giành được hai chiến thắng quan trọng trước lực lượng Mexico tại Palo Alto và Resaca de la Palma trong cuộc chiến Mexico - Mỹ, Taylor từ một vị tướng trở thành người hùng dân tộc.
Tổng thống Taylor Zarachy luôn tỏ ra mình không quan tâm tới chính trị và không nghiêng về bất kỳ đảng phái nào. |
Sau loạt chiến thắng vang dội, danh tiếng của Tướng Taylor lẫy lừng khắp nước Mỹ. Các thành viên của hai chính đảng lúc bấy giờ - Dân chủ và Whigs - bắt đầu tổ chức các buổi lễ mừng tán dương Tướng Taylor, tung hô ông trở thành George Washington thứ hai. Cả hai bên đều muốn ông Taylor trở thành ứng viên tranh cử chức tổng thống của đảng mình trong cuộc bầu cử năm 1848. Về phía đảng Whig, họ cần một người chiến thắng sau khi để thua trước đảng Dân chủ hồi năm 1844. Rất nhiều đại biểu cấp cao trong Whig không tin tưởng lãnh đạo đảng lúc bấy giờ là thượng nghị sĩ Henry Clay có thể chiến thắng trong trận đấu cuối cùng. Với họ, chính danh tiếng, vị thế của Tướng Taylor trong công chúng là điều cần phải tận dụng triệt để.
Khoác trên mình chiếc áo lính từ khi còn trẻ tuổi và chưa từng lần nào tự tay bỏ phiếu bầu cử, ban đầu Tướng Taylor ngần ngại khi đảng Whig ngỏ ý muốn đề cử ông vào vị trí ứng viên chính thức của đảng tranh cử Tổng thống. Trong cả cuộc đời, viên tướng trận mạc chưa bao giờ nghĩ mình sẽ tham gia con đường chính trị, và trước đó, ông cũng đã nhiều lần từ chối tham gia vào một chính đảng. Cho đến tận cuối năm 1846, ông vẫn một mực khẳng định chưa bao giờ nghĩ đến việc trở thành Tổng thống vì tự cảm thấy mình không đủ năng lực.
Tuy nhiên sự “nhiệt tình” từ các chính trị gia bên đảng Whig khiến Tướng Taylor đổi ý. Trong các bức tâm thư gửi đến dư luận sau này, ông giải thích “nhận thức trách nhiệm quốc gia” đã buộc ông phải vượt qua “mâu thuẫn” trong lòng và chấp nhận tranh cử.
Thoạt nhìn, Tướng Taylor dường như là một sự lựa chọn lạ lùng của đảng Whig. Được thành lập vào những năm 1830 - là ngôi nhà chung kết nối giới bảo thủ tại những bang miền Nam và những nhà công nghiệp miền Bắc, Whig coi những cuộc chiến là hậu quả từ những chính sách lạm quyền và tham lam của Tổng thống, cũng như luôn đề cao tư tưởng phản đối chiến tranh. Tuy nhiên, một số thành viên Whig cho rằng việc cử một ứng viên nổi tiếng như Tướng Taylor sẽ chứng minh cho những người ủng hộ đảng họ rằng Whig thực chất cũng sục sôi tinh thần yêu nước và chấp nhận những cuộc chiến giành lại lợi ích cho quốc gia.
Nhưng không phải ai thuộc đảng Whig cũng ủng hộ hết mình đối với Zarachy Taylor. Nhiều đại biểu trung thành trong đảng tỏ ý nghi ngờ, cho rằng ông không đủ kinh nghiệm, tư cách để đi ứng cử. Thượng nghị sĩ bang Ohio Thomas Corwin băn khoăn: “Với 40 năm sống trong rừng và dọn rêu mọc ở chân, ông ta sao có đủ khả năng để nắm giữ vị trí lãnh đạo đất nước”. Cựu Ngoại trưởng Daniel Webster gọi Taylor “là một tướng tiền tuyến ‘dốt đặc’ chưa từng đi bầu cử”.
Chiến thắng sít sao
Với lời hứa chỉ đảm nhiệm một nhiệm kì Tổng thống, tại đại hội tháng 5, đảng Dân chủ đã chọn tướng Lewis Cass - đang giữ chức Bộ trưởng Chiến tranh và Thư kí Quốc hội. Vị tướng đến từ Michigan bị nhiều người đánh giá là nhu nhược.
Về phía đảng Whig, trong đại hội đảng tháng Sáu tại tòa nhà Bảo tàng Trung Quốc ở Philadelphia, ở vòng bỏ phiếu kín đầu tiên, Taylor thắng 76% số phiếu từ các đại biểu miền Nam, nhưng 85% đại biểu phương Bắc phản đối ông. Phải đến vòng bỏ phiếu thứ 4, Taylor mới đánh bại được 2 đối thủ cùng đảng Henry Clay và Winfield Scott.
Trong cuộc bầu cử 1848, đối thủ bên phía đảng Dân chủ là Lewis Cass - đang giữ chức Bộ trưởng Chiến tranh. |
Đối đầu với một ứng viên đảng Dân chủ không mấy có tiếng và có phần thụ động, trong khi đảng này cũng đang phải hứng chịu dư luận gạch đá về vấn đề nô lệ nhiều hơn so với đảng Whig, Tướng Taylor đã chiến thắng. Trong cuộc chiến giành lá phiếu của Đại cử tri, ứng viên Taylor giành được 163 số phiếu ủng hộ trong khi Cass chỉ nhận 127 phiếu. Còn về lá phiếu phổ thông, Tướng Taylor giành 137.933 phiếu cách biệt trước đối thủ đảng Dân chủ.
Taylor được coi là Tổng thống cuối cùng của đảng Whig. Việc ứng cử của ông nhằm lúc đầu xoa dịu phần nào những căng thẳng nội bộ hiện quay trở lại cắn ngược, làm tình trạng trầm trọng thêm và có nguy cơ “giết chết” chính đảng. Đúng như dự đoán, là kẻ ngoại đạo, trong suốt thời gian đương nhiệm, Taylor bộc lộ ông không có đủ khả năng để giải quyết những trận đấu đá ngầm trong đảng. Bên cạnh đó, mỉa mai thay khi một người lính chiến đấu hết mình trên các mặt trận tiền tuyến với ngoại bang lại không hề có hứng thú và nhiều kinh nghiệm về vấn đề ngoại giao. Ông giao toàn quyền xử lí các hoạt động đối ngoại cho Ngoại trưởng John Clayton. Bên cạnh đó, ông cũng không thể hiện được quyền lực khi quốc hội lại nằm trong tay đảng Dân chủ. Taylor qua đời do viêm dạ dày cấp tính vào năm 1850 và chỉ phục vụ được có 16 tháng trong nhiệm kỳ tổng thống.
Chiến thắng của Tướng Taylor Zarachy có thể trở thành bài học mà 2 đảng đang đối đầu nhau trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay cần phải học hỏi. Đảng Dân chủ luôn coi thường chiến thắng tạm thời của ông trùm “vạ miệng” cần phải nhớ rõ: Nhờ một phép màu nào đó mà Tướng Taylor vẫn có thể đánh bại Lewis Cass - chính trị gia kỳ cựu. Và Đảng Cộng hòa cũng chớ vui mừng quá sớm khi Tổng thống Taylor luôn được xếp vào danh sách những vị tổng thống tồi tệ nhất nước Mỹ, và chiến thắng của ông đồng thời đánh dấu bước rạn nứt dẫn đến sự sụp đổ của đảng mà ông đại diện.