Bác sĩ thần kinh Walter Freeman: Quái vật hay thiên tài y khoa? - Kỳ 1

Walter Freeman muốn cách mạng hóa quá trình điều trị các bệnh tâm thần. Tuy nhiên, thay vào đó, ông lại khiến hàng trăm bệnh nhân tử vong và lịch sử đã nhớ tới ông là người đã đưa một phương pháp phẫu thuật thực sự man rợ vào Mỹ: phẫu thuật thùy não (lobotomy).

Kỳ 1: Walter Freeman và sự nghiệp

Chú thích ảnh
Bác sĩ Walter Jackson. Ảnh: National Library of Medicine

Theo trang allthatsinteresting.com, bác sĩ thần kinh người Mỹ Walter Jackson Freeman II sinh ra tại Philadelphia vào năm 1895. Ông nội của Freeman, William Williams Keen, là bác sĩ phẫu thuật não đầu tiên tại Mỹ. Cha Freeman là ông Walter J. Freeman, cũng là một bác sĩ nổi tiếng. Freeman lớn lên với ý định nối tiếp sự nghiệp của gia đình.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale vào năm 1916, Walter Freeman tiếp tục học chuyên ngành thần kinh học tại khoa y của Đại học Pennsylvania. Sau đó, ông sang châu Âu để mở rộng kiến thức về lĩnh vực này vào năm 1923 và khi trở về Mỹ vào năm sau, ông đã tự khẳng định mình là bác sĩ thần kinh đầu tiên tại Washington, D.C.

Vào đầu những năm 1930, Walter Freeman làm lãnh đạo các phòng thí nghiệm tại Bệnh viện St. Elizabeths, lấy bằng tiến sĩ về bệnh học thần kinh và nhận chức trưởng khoa thần kinh tại Đại học George Washington. Tuy nhiên, ông vẫn còn nhiều điều muốn làm.

Trong thời gian làm việc tại bệnh viện tâm thầnSt. Elizabeths, Freeman đã chứng kiến nỗi đau đớn và khổ sở mà các bệnh nhân ở đây phải chịu đựng. Ông quyết tâm tìm ra một phương pháp điều trị hiệu quả có thể giúp đỡ những người gặp phải bệnh tâm thần và các rối loạn tâm lý. Cuối cùng ông đã tìm ra một phương pháp ở Bồ Đào Nha.

Năm 1935, bác sĩ thần kinh người Bồ Đào Nha Egas Moniz đã giới thiệu một phương pháp gọi là “leucotomy”. Theo phương pháp này, bác sĩ khoan lỗ vào hộp sọ của bệnh nhân và tiêm rượu vào thùy trán để phá hủy chất trắng. Mục đích làm gián đoạn các đường dẫn truyền thần kinh gây bệnh tâm thần. Moniz bắt đầu sử dụng một dụng cụ phẫu thuật gọi là “leucotome” để cắt những lõi nhỏ hình tròn vào mô não.

Walter Freeman đã lấy cảm hứng từ phương pháp của Moniz, nhưng ông cảm thấy rằng cần phải cải tiến. Ông hợp tác với bác sĩ phẫu thuật thần kinh James W. Watts và điều chỉnh phương pháp này để hoàn toàn cắt đứt các kết nối giữa thùy trán và đồi thị thay vì cắt lõi. Freeman đặt tên cho phiên bản của mình là phẫu thuật thùy não và ông ta cùng bác sĩ Watts thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên tại Mỹ vào ngày 14/9/1936 trên một người phụ nữ 63 tuổi ở Kansas tên Alice Hood Hammatt, người bị trầm cảm và mất ngủ.

Đến năm 1942, hai bác sĩ này đã thực hiện hơn 200 ca phẫu thuật thùy trước não, nhưng chỉ có 63% bệnh nhân có cải thiện các rối loạn tâm thần, trong khi 14% có triệu chứng nặng thêm.

Ca phẫu thuật nổi tiếng nhất: Rosemary Kennedy

Chú thích ảnh
Rosemary Kennedy. John F. Kennedy Presidential Library and Museum

Ca phẫu thuật nổi tiếng nhất được thực hiện với Rosemary Kennedy, chị gái của người sau này là Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Năm 1941, Rosemary được đưa đến Bệnh viện Đại học George Washington (GW). Ở tuổi 23, cô phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, bao gồm những cơn thay đổi tâm trạng dữ dội, co giật, cáu gắt và trầm cảm. Cha của cô, ông Joseph Kennedy, không muốn con gái ảnh hưởng đến con đường chính trị của gia tộc và đã chấp thuận một phương pháp được coi là tiên tiến nhất trong ngành tâm thần học lúc bấy giờ, một liệu pháp được kỳ vọng có thể chữa khỏi cho cả những trường hợp vô vọng nhất: đó chính là phương pháp của Freeman.

Bất chấp lời van xin từ các anh chị em của Rosemary, ông Joseph vẫn đồng ý để bác sĩ Freeman cùng James Watts thực hiện ca mổ mà không nói với vợ ông, các con khác và thậm chí cả với chính Rosemary. Thời điểm đó, pháp luật cho phép cha hoặc chồng đưa ra quyết định y tế thay phụ nữ. Phải mất nhiều thập niên sau, phụ nữ mới có được quyền tự quyết nhiều hơn trong lĩnh vực y tế.

Theo nghiên cứu được trình bày trong cuốn “Rosemary: The Hidden Kennedy Daughter” (tạm dịch: Rosemary: Người con gái bị giấu kín của nhà Kennedy) của Kate Clifford Larson, Freeman đã yêu cầu nhân viên y tế cạo đầu Rosemary ngay khi cô đến để chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Nhân viên thường trói chân bệnh nhân vào bàn mổ, cạo tóc phần đỉnh đầu, dùng khăn và rèm che mắt, rồi thực hiện ca phẫu thuật.

Ông Andrew Scull - Giáo sư nghiên cứu ngành xã hội học tại Đại học California, San Diego - cho rằng Freeman và Watts đã thực hiện ca phẫu thuật một cách thất bại nặng nề. Ông Scull nói: “Rosemary bị tàn tật hoàn toàn, hầu như không thể đi lại hay nói năng. Cô sống thêm nhiều thập kỷ nữa nhưng ở trong tình trạng tổn thương nặng nề”.

Freeman mô tả hậu quả của phẫu thuật cắt thùy trán cho Rosemary là do ca phẫu thuật thời nhỏ gây ra và cho rằng đó là một giai đoạn cần thiết trong quá trình hồi phục. Thông qua thư từ và các cuộc trao đổi chuyên môn, Freeman thường trấn an người nhà những bệnh nhân bị biến thành “trẻ con” hoặc “khó kiểm soát” sau ca phẫu thuật rằng hành vi đó chỉ là giai đoạn tạm thời trước khi nhân cách phục hồi.

Tuy nhiên, Rosemary không bao giờ đạt đến giai đoạn phục hồi đó. Từ năm 1941 cho đến khi qua đời năm 2005 ở tuổi 86, bà bị đưa vào sống cách ly tại cơ sở chăm sóc người khuyết tật St. Coletta ở Jefferson, bang Wisconsin, tách biệt hoàn toàn khỏi những thành viên còn lại của gia đình.

Trường hợp của bà Rosemary có lẽ là ví dụ nổi tiếng nhất về một ca cắt thùy trán thất bại và bà chỉ là một trong số hàng nghìn bệnh nhân từng được Freeman điều trị trong suốt 28 năm làm việc tại GW. Kỹ thuật này từng phổ biến đến mức tờ “The Hatchet” đã gọi GW là “ngôi nhà cắt thùy trán” trong một bài viết năm 1984.

Theo báo cáo, Freeman đã thực hiện hơn 3.400 ca cắt thùy trán trong suốt sự nghiệp. Hiện nay, phương pháp này bị coi là lỗi thời do tính xâm lấn cao, nguy cơ sai sót lớn.

Đón đọc kỳ cuối: Phương pháp gây tranh cãi

Thùy Dương/Báo Tin tức
‘Bác sĩ tử thần’ khét tiếng nhất nước Anh - Kỳ cuối
‘Bác sĩ tử thần’ khét tiếng nhất nước Anh - Kỳ cuối

Tất cả những người từng tham gia điều tra, bắt giữ và xét xử Shipman đều dùng những từ kinh hoàng nhất để mô tả ông ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN