Trung Quốc bố trí binh lực ra sao tại các đại chiến khu mới

Trong đợt cải cách quân đội của Trung Quốc, 7 đại quân khu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã bị xóa bỏ để thành lập 5 đại chiến khu mới.

Binh lính Trung Quốc tham gia buổi diễu binh trong buổi lễ kỷ niệm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Ảnh: Getty Images

Tờ “Đại Công báo” (Hong Kong) ngày 4/4 đưa tin: trong đợt cải cách quân đội của Trung Quốc (bắt đầu từ cuối năm 2015 và dự kiến hoàn tất vào năm 2020), 7 đại quân khu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã chính thức bị xóa bỏ để thành lập 5 đại chiến khu mới. Trong đó, 18 tập đoàn lục quân vốn do 7 đại quân khu quản lý đã được giao cho “Tổng bộ Lục quân” (mới được thành lập) thống nhất phụ trách xây dựng và quản lý, đồng thời phân chia và giao cho các chiến khu khác nhau thực hiện chỉ huy tác chiến liên hợp.

Ngăn chặn hiện tượng tập trung quyền lực

Theo báo trên, cùng với những bước đi cải cách quân đội, các tập đoàn quân được giao về cho các chiến khu cũng dần lộ rõ. Theo đó, 5 đại chiến khu, mỗi đại chiến khu chỉ huy từ 3 đến 5 tập đoàn quân. Lực lượng Lục quân Trung Quốc hiện có 18 tập đoàn quân, đây là lực lượng dã chiến chủ yếu, vốn lần lượt trực thuộc 7 đại quân khu cũ. Cụ thể là 4 đại quân khu (cũ) gồm: Thẩm Dương, Bắc Kinh, Tế Nam, Nam Kinh mỗi bên quản lý 3 tập đoàn quân, còn lại 3 đại quân khu gồm: Lan Châu, Thành Đô, Quảng Châu, mỗi bên quản lý 2 tập đoàn quân.

Về nhiệm vụ, đại quân khu (cũ) vừa phụ trách chỉ huy tác chiến, vừa phụ trách xây dựng quản lý, điều này đã dẫn đến quyền lực tập trung cao độ và xuất hiện tình trạng mỗi đại quân khu cát cứ một vùng. Trong cải cách quân đội của Trung Quốc đợt này, các tập đoàn quân sau khi được giao cho các đại chiến khu mới thành lập, sẽ tiến hành tách rời chỉ huy tác chiến và quản lý xây dựng. Theo đó, quân chủng chịu trách nhiệm quản lý xây dựng, đại chiến khu chịu trách nhiệm chỉ huy tác chiến. Cụ thể hơn, Tổng bộ Lục quân mới thành lập đảm nhận nhiệm vụ quản lý xây dựng, còn 5 đại chiến khu mới thành lập đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy tác chiến, không phụ trách xây dựng lực lượng. Tuy nhiên, tại các đại chiến khu đều thiết lập cơ quan lãnh đạo lục quân (tương đương cấp phó đại quân khu cũ), cùng phối hợp với Tổng bộ Lục quân quản lý lực lượng lục quân trong phạm vi đại chiến khu của mình.

Chiến khu miền Trung chỉ huy 5 tập đoàn quân

Cùng với việc triển khai điểu chỉnh biên chế và tổ chức quân đội, các tập đoàn quân trực thuộc các đại chiến khu cũng dần sáng tỏ. Tập đoàn quân số 1, 12 và 31 vốn thuộc Quân khu Nam Kinh, về mặt tác chiến sẽ do Chiến khu miền Đông chỉ huy, về quản lý xây dựng do Cơ quan Lục quân chiến khu miền Đông đóng ở Phúc Châu (Phúc Kiến) quản lý. Chiến khu miền Nam ngoài chỉ huy Tập đoàn quân số 41, số 42 vốn thuộc Quân khu Quảng Châu cũ ra tiếp nhận chỉ huy thêm tập đoàn quân số 14 vốn thuộc Quân khu Thành Đô. Chiến khu miền Tây tiếp nhận chỉ huy tập đoàn quân số 13 vốn thuộc Quân khu Thành Đô và tập đoàn quân số 21, số 47 vốn thuộc Quân khu Lan Châu.

Số lượng tập đoàn quân thuộc phạm vi Chiến khu miền Trung và Chiến khu miền Bắc càng nhiều hơn. Chiến khu miền Bắc chịu trách nhiệm chỉ huy 4 tập đoàn quân, gồm tập đoàn quân số 16, số 39, số 40 vốn thuộc Quân khu Thẩm Dương và tập đoàn quân số 26 vốn thuộc Quân khu Tế Nam. Chiến khu miền Trung có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan đầu não Bắc Kinh và chi viện cho các đại chiến khu khác, nhận trách nhiệm chỉ huy 5 tập đoàn quân, gồm: tập đoàn quân số 27, số 38, số 65 vốn thuộc Quân khu Bắc Kinh và tập đoàn quân số 20, số 54 vốn thuộc Quân khu Tế Nam. Nhìn nhận một cách tổng quát, số lượng tập đoàn quân mà các chiến khu chịu trách nhiệm chỉ huy tác chiến là từ 3 đến 5 tập đoàn, trong đó Chiến khu miền Trung là nhiều nhất với 5 tập đoàn quân.

Trong quá trình cải cách quân đội, có nhiều vị trí chỉ huy tập đoàn quân trước đây được đưa lên vị trí lãnh đạo cơ quan lục quân tại chiến khu. Ví dụ, Lý Kiều Danh, Chỉ huy trưởng tập đoàn quân số 41, được đưa lên vị trí Tư lệnh Lục quân chiến khu miền Bắc; Từ Trung Ba, Chính ủy Tập đoàn quân số 54, được đưa lên giữ chức Chính ủy Lục quân chiến khu miền Tây.

Cơ quan lục quân chiến khu thực hiện quân lệnh-quân chính


Hiện nay, các tập đoàn quân đã đi vào vận hành theo biên chế mới tại các đại chiến khu, đồng thời huấn luyện theo cơ chế mới. Ví dụ, Tập đoàn quân số 47 triển khai tổ chức giáo dục chuyên đề “Ghi nhớ huấn lệnh của Chủ tịch Quân ủy Trung ương, xây dựng lục quân Chiến khu miền Tây hùng mạnh”.

Cơ quan lục quân của 5 đại chiến khu miền Đông, miền Tây, miền Nam, miền Bắc và miền Trung lần lượt đóng ở Phúc Châu (Phúc Kiến), Lan Châu (Cam Túc), Nam Ninh (Quảng Tây), Tế Nam (Sơn Đông) và Thạch Gia Trang (Hà Bắc). Ngoài việc phối hợp Tổng bộ Lục quân phụ trách quản lý xây dựng quân đội ra, Cơ quan lục quân tại các đại chiến khu còn phối hợp với chỉ huy chiến khu tiến hành chỉ huy tác chiến, trở thành điểm hội tụ của hai hệ thống lớn là quân chính và quân lệnh, cùng lúc gánh vác hai sứ mệnh lớn là chỉ huy tác chiến và xây dựng.

Ngoài quản lý các tập đoàn quân trực thuộc, cơ quan lục quân tại các chiến khu còn quản lý lực lượng tác chiến lục quân khác trong phạm vị chiến khu của mình. Như Lục quân Chiến khu miền Tây ngoài quản lý 3 tập đoàn quân ra, còn quản lý lực lượng lữ đoàn và sư đoàn lục quân thuộc Quân khu Tân Cương, Quân khu Tây Tạng.

TTK
Quân đội Trung Quốc ngừng các dịch vụ phải trả tiền
Quân đội Trung Quốc ngừng các dịch vụ phải trả tiền

Quân đội Trung Quốc sẽ ngừng những cái gọi là các dịch vụ phải trả tiền trong vòng 3 năm, nhằm tiến hành cải cách và đẩy mạnh chống tham nhũng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN