Romania có gần 70 máy bay trực thăng quân sự. Nguồn: bzb.ro |
Tờ Eurasia Daily Monitor đăng bài viết của George Vişan, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Năng lượng Rumani (ROEC), về nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ đầy tham vọng của nước này.
Bài báo nêu rõ: Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh Romania là quốc gia duy nhất trong số các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw phát triển ngành công nghiệp hàng không với sự trợ giúp của phương Tây. Năm 1968 Romania được Pháp cấp phép sản xuất máy bay trực thăng tại nhà máy IAR Ghimbav, gần thành phố Braşov.
Có hai loại máy bay trực thăng đã được sản xuất tại địa phương này trong 30 năm: IAR-316B phiên bản do Alouette IIIB của Pháp cấp phép và IAR-330 Puma phiên bản do công ty trực thăng vận tải Aerospatiale SA-330 Puma được cấp phép. Những mô hình này đã được ngành công nghiệp hàng không địa phương phát triển cho đến khi chúng trở nên lỗi thời.
Trong thập kỷ qua quân đội Romania đã thay đổi cách sử dụng các loại trực thăng. Kinh nghiệm và thành công của Công ty Trực thăng thuộc Hải quân Romania trong việc vận hành các tài sản hàng không đã cho thấy máy bay trực thăng có thể hoạt động hiệu quả ngoài phạm vi hoạt động của lực lượng không quân. Do đó, Lục quân Romania hiện cũng đang có kế hoạch thành lập một đơn vị hàng không, nhưng chưa rõ là lực lượng này muốn phát triển đơn vị hàng không chuyên dụng hay hạng nhẹ.
Tuy nhiên, năm 2017 phi công trực thăng hạng nhất của Lục quân đã được huấn luyện tại Học viện Không quân Romania. Điều này có nghĩa là trong tương lai, cả Hải, Lục và Không quân Romania sẽ sử dụng máy bay trực thăng trong các hoạt động.
Hiện Romania có 68 máy bay trực thăng quân sự, phần lớn trong số đó đã hoạt động trên 30 năm và sẽ sớm phải “về hưu”. Quan trọng hơn, Romania đang thiếu loại trực thăng tấn công chuyên dụng, sử dụng trực thăng để tấn công và đóng vai trò hỗ trợ ở cự ly gần. Trực thăng tấn công là một ưu tiên vì chúng được coi là loại vũ khí chống giáp hiệu quả của quân đội Romania. Ngoài ra, Bộ Nội vụ Romania cũng đang có nhu cầu cao đối với trực thăng tìm kiếm và cứu hộ sau hàng loạt vụ tai nạn trong 5 năm qua.
Do dó, Chính phủ Romania nhận thức được sự cần thiết phải hiện đại hóa phi đội trực thăng và trong 3 năm qua họ đã âm thầm nghiên cứu về vấn đề này. Ba nhà sản xuất máy bay trực thăng quốc tế Airbus, Bell Helicopter và Sikorsky Aircraft đã liên hệ với chính quyền Romania về khả năng mua bán máy bay trực thăng. Tuy nhiên, vẫn chưa có một cuộc đấu thầu công khai hay một chương trình mua trực thăng được chính thức công bố và số lượng chính xác máy bay trực thăng mà Romania muốn mua cũng chưa được nêu ra.
Hiện nay Romania có kế hoạch mua 45 máy bay trực thăng từ công ty Bell Helicopter, trong đó có 24 máy bay AH-1Z và 21 máy bay UH-1Y. Tuy nhiên, Chính phủ Romania và Bell Helicopters vẫn chưa ký kết bất kỳ thỏa thuận nào, dù những cuộc đàm phán giữa Bell Helicopter và IAR Ghimbav vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Romania cũng đã bắt đầu đàm phán với Airbus về đơn đặt hàng mua 4 máy bay trực thăng H215M đầu tiên hồi tháng 12/2017.
Romania có mục tiêu đầy tham vọng về máy bay trực thăng, dù quá trình mua sắm có thể là mạo hiểm và đối mặt với sự phức tạp không cần thiết. Chính phủ Romania muốn nước này trở thành một trung tâm trực thăng trong khu vực và cung cấp máy bay trực thăng cho lực lượng vũ trang của các nước láng giềng. Nếu đàm phán thành công thì Romania có thể sẽ có hai nhà sản xuất máy bay trực thăng quốc tế lớn trong tương lai gần.
Romania và các quốc gia ở sườn phía Đông của NATO là thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà sản xuất máy bay trực thăng lớn của phương Tây. Những nước này chủ yếu sử dụng máy bay trực thăng do Liên Xô chế tạo vốn đang đến cuối giai đoạn phục vụ. Ngoài các hợp đồng quân sự, đây còn là một thị trường máy bay trực thăng dân sự có khả năng sinh lời.
Ví dụ, tại Romania các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tiềm năng ngoài khơi Biển Đen sẽ thúc đẩy nhu cầu trực thăng vận tải dân dụng. Hơn nữa, Ba Lan, Romania và CH Séc có các ngành hàng không hoạt động tốt và lực lượng lao động được đào tạo có khả năng sản xuất máy bay và các bộ phận hàng không.
IAR Ghimbav rất có thể sẽ là nơi đón nhận các khoản đầu tư trực thăng tại Romania. Airbus đã chuyển dây chuyền sản xuất máy bay trực thăng H215 tại IAR Ghimbav, nhưng lại không sở hữu IAR Ghimbav mà là Chính phủ Romania sở hữu. Airbus cũng đã xây dựng một cơ sở sản xuất riêng cho trực thăng H215. Như vậy, một nhà sản xuất quốc tế thứ hai có thể hợp tác với IAR Ghimbav và khởi động một liên doanh. Đây chính xác là những gì mà các nhà hoạch định chính sách Romania muốn - một nhà sản xuất thứ hai đến và đầu tư vào IAR Ghimbav.
Nếu thành công, thì kế hoạch đầy tham vọng của Romania liên quan đến lực lượng trực thăng và ngành hàng không sẽ đóng góp đáng kể vào việc tạo dựng thương hiệu của nước này như là một nhà cung cấp an ninh trong khu vực Biển Đen. Tuy nhiên, Chính phủ Romania cần đặt ra các mục tiêu về chương trình trực thăng rõ ràng hơn và nên đề ra các kế hoạch liên quan đến sự phát triển trong tương lai của ngành hàng không.