Nguy cơ các cường quốc đối đầu trực diện ở Syria

Giống như mọi cuộc xung đột kéo dài khác, cuộc chiến ở Syria từ lâu đã bị tách thành nhiều cuộc chiến tranh mini.

Các cuộc chiến mini

Các cuộc chiến tranh mini này khiến cho xung đột ban đầu giữa Chính phủ Syria và phe đối lập giờ đây gần như không liên quan gì tới diễn biến hiện nay. Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã củng cố được vị thế và quyền lực, còn phe đối lập gần như biến mất ở Syria.

Tuy nhiên, hiện Syria là nơi mà một loạt lực lượng đang tranh giành ảnh hưởng ở những dải lãnh thổ rộng lớn ngoài tầm kiểm soát của Chính quyền Damascus.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). Ảnh: BBC

Những nước tài trợ cho các lực lượng này đã tham gia cuộc xung đột ở Syria nhiều năm qua thông qua can thiệp ngoại giao và quân sự.

Nga và Iran là hai quốc gia dành nhiều công sức nhất cả về mặt tài chính, chính trị và quân sự ở Syria. Hai quốc gia này giành được ảnh hưởng và quyền lực lớn nhất nhưng cũng là hai quốc gia mất nhiều binh sĩ nhất trên chiến trường.

Theo BBC, Mỹ đầu tư ít hơn vào Syria và chưa bao giờ toàn tâm toàn ý hỗ trợ thực sự phe đối lập Syria. Kết quả là vai trò của Mỹ sụt giảm chóng mặt ở Syria và càng ngày người ta càng không hiểu mục đích của Washington ở Syria là gì.

Thổ Nhĩ Kỳ là một nhân tố quan trọng khác ở Syria. Lúc đầu, nước này hỗ trợ phe đối lập Syria nhưng gần đây đã tập trung hơn vào quyết tâm ngăn chặn người Kurd thành lập một quốc gia nhỏ sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa nhiều binh sĩ vào miền Bắc Syria vì mục đích này.

Ở miền Nam, Israel không tham gia trong phần lớn cuộc xung đột nhưng cũng bất đắc dĩ bị lôi kéo vào. Israel phần lớn chỉ dừng lại ở việc tấn công các căn cứ của Iran và nguồn cung vũ khí nghi là từ phong trào Hezbollah.

Trong phần lớn cuộc xung đột, lợi ích của những quốc gia bên ngoài này thường xuyên đối lập nhau. Mục đích khác nhau của họ khiến mọi nỗ lực chấm dứt cuộc chiến ở Syria đều thất bại.

Tuy nhiên, từ trước tới nay, khi mục đích của các quốc gia sắp tiến tới xung đột thì các quốc gia này lại hoạt động thông qua vùng đệm là lực lượng ủy nhiệm trên mặt đất. Khi các điểm nóng nguy hiểm bùng lên, các bên đều lùi một bước để tránh leo thang hơn, để lại cho người Syria hứng chịu hậu quả.

Mục đích chung hiếm hoi


Sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã khiến cuộc xung đột ở Syria thậm chí còn đen tối và đẫm máu hơn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhóm khủng bố này đã khiến các quốc gia có chung một mục đích là nỗ lực đánh bại IS. Gần như mọi quốc gia tham gia cuộc chiến đều coi IS như kẻ thù.

Mỹ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, kể cả Chính phủ Syria, đều tạm gác khác biệt không thể hòa giải sang một bên đủ lâu để đánh bại IS, không với tư cách đồng minh thì ít ra cũng là không đối đầu trên chiến trường.

Sức mạnh tổng lực của các cường quốc đã khiến IS không thể chống cự. Chúng mất dần lãnh thổ và trở thành một nhóm tàn quân. Khi IS bị đánh bại, cuộc chiến ở Syria vẫn tiếp diễn và đang càng ngày càng tạo ra những phức tạp mới cho một tương lai hậu IS.

Người Kurd dưới sự hậu thuẫn của Mỹ đã chiếm nhiều lãnh thổ khi đánh đuổi IS, khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại về quyền lực gia tăng của nhóm người này ở Syria. Nga và Iran can sự sâu hơn vào Syria khi giúp cho Tổng thống Assad giành lại được nhiều khu vực bị phe đối lập chiếm. Sau khi đánh bại IS, sứ mệnh của Mỹ ở Syria hầu như không rõ ràng và ít ảnh hưởng ở đất nước này. 

Về phần mình, Israel nóng ruột khi thấy binh sĩ Hezbollha và Iran tiến ngày càng gần tới biên giới mình, khiến quốc gia này tham gia nhiều hơn vào cuộc xung đột, dù vẫn trong tâm thế thận trọng.


Đàm phán hòa bình và vùng giảm căng thẳng ngày càng được tổ chức nhiều nhưng ở nhiều khu vực Syria, chiến sự vẫn xảy ra.

Nguy cơ đối đầu sâu hơn

Tình trạng bất ổn ở Syria hiện nay không còn là điều mới mẻ trong cuộc chiến. Tuy nhiên, khi các quốc gia tăng cường tham gia các mặt trận khác nhau, thì nguy cơ cuộc chiến giữa các lực lượng ủy nhiệm bị biến thành xung đột trực tiếp giữa các cường quốc đang giật dây là có thật. Và đó là một diễn biến rất nguy hiểm.

Binh lính và xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Ảnh: Hindustantimes

Những sự kiện gần đây cho thấy niềm tin rằng các bên có liên quan sẽ luôn lùi một bước trước khi dấn sâu hơn vào xung đột đang dần trở nên không chắc chắn.

Vụ máy bay chiến đấu Israel bị tên lửa Syria bắn hạ sau khi Israel chặn máy bay không người lái của Iran là một ví dụ cho thấy căng thẳng gia tăng ở miền nam Syria. Vụ việc xảy ra khi có thông tin Mỹ tiêu diệt lính đánh thuê Nga đang nhắm vào căn cứ chung của Mỹ và người Kurd.

Bản thân cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Syria cũng đã khiến nước này đối đầu với Mỹ - quốc gia hậu thuẫn người Kurd ở Syria.

Nếu không có gì mới xảy ra, tất cả những điều trên có thể sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến ở Syria. Không chỉ thế, các diễn biến còn khiến dư luận lo ngại về cuộc đối đầu toàn lực giữa các quốc gia can dự mà mục đích ở Syria về cơ bản là không giống nhau.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thấy gì từ lệnh trừng phạt Triều Tiên ‘nặng chưa từng có’ của Mỹ?
Thấy gì từ lệnh trừng phạt Triều Tiên ‘nặng chưa từng có’ của Mỹ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên là “nặng nhất từ trước tới nay”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN