Xu thế phát triển kho vũ khí Nga 10 năm tới

Phát triển hệ thống robot, vũ khí chính xác cao, tăng cường sức mạnh đánh chặn hạt nhân là trọng tâm phát triển sức mạnh kho vũ khí Nga trong vòng 1 thập kỷ tới.

Siêu tiêm kích cơ thế hệ thứ năm SU-57 của Nga. Ảnh Getty

Theo chương trình vũ khí quốc gia trị giá 19.000 tỷ ruble (khoảng 340 tỷ USD) giai đoạn 2018-2028 vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê chuẩn, tổng cộng có hơn 200 loại vũ khí và thiết bị, công nghệ robot, hệ thống thông minh, các thiết bị không người lái do thám và tấn công sẽ được tập trung phát triển.      

Một trong những hướng quan trọng được đặt ra đối với quân đội Nga thời gian tới là phát triển các loại vũ khí có độ chính xác cao. Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết chương trình này sẽ mang đến “sự đáp trả thích hợp” cho việc triển khai các hệ thống vũ khí có độ chính xác cao phi hạt nhân chiến lược. Đặc biệt, có thể kể đến việc sản xuất và chuyển giao cho lực lượng vũ trang Nga các máy bay ném bom hiện đại hóa “Gấu tuyết” Tu-95 và “Thiên nga trắng” Tu-160, hệ thống phòng thủ tên lửa S-500, siêu tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57 và Mig-35, cũng như tàu ngầm Borei-B.  

 Máy bay ném bom chiến lược "Thiên Nga trắng" TU-160. Ảnh: AFP

Ngoài ra, cho tới trước năm 2028, quân đội Nga sẽ nhận được tổ hợp tên lửa RC-26 và tổ hợp tên lửa RC-28. Chương trình cũng sẽ ưu tiên phát triển các hệ thống đánh chặn hạt nhân. Trước năm 2021, quân đội Nga sẽ được trang bị và thay thế 70% vũ khí hiện đại.         

Theo đánh giá của các chuyên gia, chương trình vũ khí quốc gia hiện tại (đến năm 2020) là một trong những chương trình thành công nhất của nước Nga thời hậu Xô Viết, khi tỷ lệ vũ khí hiện đại trong lực lượng hạt nhân chiến lược Nga chiếm khoảng 20%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ công nghệ hiện đại trong lực lượng vũ trang Nga đã tăng lên 59% - con số được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nêu lên hồi tháng 11/2017 tại một trường Đại học của Bộ Quốc phòng. Một tiêu chí quan trọng là việc thực hiện các yêu cầu quốc phòng, vốn trong 5 năm gần đây được thực hiện ở mức 90%.
           

Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei của Nga. Ảnh: military.com

“Bộ ba hạt nhân” (gồm máy bay ném bom tầm xa, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược và lực lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa) được tái vũ trang chuyên sâu cao nhất, trong trường hợp này, tỷ lệ vũ khí hiện đại đạt tới 79%. Tới năm 2021, sức mạnh hạt nhân chiến lược trên đất liền cần phải hiện đại hóa lên 90%. Điều này được Tổng thống Putin phát biểu hồi cuối năm ngoái tại một trường Cao đẳng của Bộ Quốc phòng Nga. Ở đó, ông Putin muốn đề cập tới hệ thống tên lửa có khả năng “vượt qua hệ thống phòng thủ hiện tại và thậm chí là trong tương lai”.

Chương trình vũ khí quốc gia mới của Nga được điều chỉnh và thông qua dựa trên các dữ liệu thu thập tại mặt trận Syria, nghĩa là thông qua đánh giá toàn diện mọi thông số trong điều kiện thực chiến.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Thấy gì từ lệnh trừng phạt Triều Tiên ‘nặng chưa từng có’ của Mỹ?
Thấy gì từ lệnh trừng phạt Triều Tiên ‘nặng chưa từng có’ của Mỹ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên là “nặng nhất từ trước tới nay”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN