Ngân sách thua xa, Nga vẫn tự tin đánh bại Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng

Mặc dù có một khoảng cách lớn về ngân sách quốc phòng với Mỹ, song với yếu tố chủ chốt dưới đây, Nga không hề lo sợ thua kém bất kỳ ai trong công cuộc bảo vệ tổ quốc.

Trí tuệ nhân tạo giúp quân đội Nga phân loại mức độ nguy hiểm các mục tiêu. Ảnh: Sputnik

Ngày 22/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì một phiên họp các quan chức quân đội cấp cao tại Viện Tên lửa chiến lược mới ở đông Moskva. Cơ quan này là nơi sẽ huấn luyện các sĩ quan tương lai chịu trách nhiệm về kho vũ khí hạt nhân. Viện có hội trường nghe thuyết giảng rộng rãi, phòng thí nghiệm với công nghệ tân tiến, khu vực rèn luyện thể thao hiện đại và nơi trưng bày một loạt các mô hình tên lửa ấn tượng.

Nhiều nhà phân tích cho rằng việc lựa chọn địa điểm này làm nơi tổ chức cuộc họp báo cáo về những kết quả đạt được trong năm 2017 và bàn thảo kế hoạch quân sự tương lai mang một ý nghĩa biểu tượng.

Tổng thống Putin tận dụng cơ hội này để trình bày viễn cảnh về một quân đội Nga thế hệ mới – lực lượng nhỏ nhưng chuyên nghiệp, linh hoạt và được trang bị vũ khí đầy đủ - có thể đánh bại lực lượng của NATO nhờ sự vượt trội về công nghệ.

“Nga phải là một trong những quốc gia đi đầu, và trong một số lĩnh vực phải tuyệt đối là thủ lĩnh – đặc biệt là khi nói đến xây dựng một đội quân thế hệ mới, một đội quân hình mẫu công nghệ mới. Đây là vấn đề được ưu tiên cao nhiên để đảm bảo chủ quyền, hòa bình và an toàn cho công dân Nga, đem đến sự phát triển ổn định và theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, cởi mở mang về lợi ích cho dân tộc”, Tổng thống Putin khẳng định với các tướng lĩnh.

Tổng thống Putin so sánh ngân sách chi tiêu quốc phòng của Nga trong năm 2018 sẽ chỉ rơi vào khoảng 80 tỉ USD, chiếm 2,85% GDP theo ước tính của chính phủ, trong khi đó Mỹ lại dành tới hơn 700 tỷ USD để đầu tư quốc phòng. Rõ ràng sự cách biệt đó chỉ được rút ngắn lại khi Nga sử dụng bộ não để tự bảo vệ mình.

“Chúng ta phải thông minh. Chúng ta sẽ không chỉ đơn thuần dựa vào ‘sức mạnh cơ bắp quân sự', và chúng ta không bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang về kinh tế một cách vô vị”, Tổng thống Putin tuyên bố.

Thuật ngữ “hình mẫu công nghệ” được rút ra từ học thuyết đề cao việc xã hội tự tổ chức dựa trên công nghệ kỹ thuật.

Theo học thuyết này, hình mẫu thứ năm, liên quan đến sự phát triển kỹ thuật số và vi điện tử, đang trong quá trình được thay thế bởi hình mẫu mới. Kỹ thuật y sinh, trí thông minh nhân tạo và công nghệ sản xuất quy mô siêu nhỏ nano là những ứng viên tiềm năng.

Các chuyên gia nhận xét, với sự hứng thú của Tổng thống Putin dành cho trí tuệ nhân tạo (AI), như ông bày tỏ nhiều lần trước đó, có thể dễ dàng kết luận AI sẽ đóng một vai trò chủ chốt đối với tương lai quân đội Nga.

Cụ thể, trung tâm chỉ huy quân sự mới của Nga, khánh thành 3 năm trước, đã có nhiều yếu tố có thể coi là liên quan tới AI. Trung tâm có mô hình được sử dụng để phân tích và tổng hợp một lượng lớn dữ liệu trung tâm nhận về từ nhiều nguồn tin quân sự và dân thường, từ các báo cáo chỉ huy ở căn cứ và hình ảnh vệ tinh cho đến dữ liệu quốc gia. Phương pháp tiếp cận này có thể nâng cao hiệu quả công tác hậu cần một cách đáng kể.

Kinh tế luôn là một yếu tố cần thiết cho quân sự. Chẳng hạn, so với việc bắn hạ máy bay chiến đấu hàng triệu đô la, dùng tên lửa đất đối không đắt đỏ chỉ để bắn hạ “dàn” thiết bị không người lái rẻ tiền hơn sẽ là không hiệu quả về mặt kinh tế.

“Đó là vì sao các nhà sản xuất vũ khí đang nghiên cứu các phương án đối phó với mối đe dọa này, có sử dụng tia laser giá rẻ hoặc sóng vi ba. Tia laser là loại công cụ hàng đầu khi nói về tác dụng làm mù hệ thống cảm ứng của một chiếc máy bay chiến đấu hay tên lửa dẫn đường”.

Một lĩnh vực khác mà AI có thể phát huy khả năng là tự động nhận dạng mối đe dọa. Chuyên gia Leonkov cho biết: “Lần đầu được thử nghiệm đối với những dữ liệu đơn giản như số liệu không khí, hình ảnh vệ tinh, và giờ nó được sử dụng trong các trạm radar theo dõi. Việc nhận diện trong số hàng ngàn đối tượng xem cái nào có thể gây nguy hiểm cho nước Nga là một việc mà AI làm tốt, nếu như được đưa đúng dữ liệu”. Một hệ thống phòng thủ tên lửa có thể sử dụng AI để phân loại mục tiêu, chọn cái nào tấn công trước, cái nào có thể đợi và cái nào sẽ bẫy nhử.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tổng thống Putin: Không nên coi nước Nga là 'người bà đáng mến'
Tổng thống Putin: Không nên coi nước Nga là 'người bà đáng mến'

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định rằng không nên coi nước Nga là “người bà đáng mến”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN