Văn phòng báo chí của STRATCOM đã phải nỗ lực hết sức để xoa dịu những lo ngại về các cuộc tập trận hạt nhân vừa được triển khai hôm 11/4, đồng thời đảm bảo rằng đó là hoạt động tập trận bình thường, được lên lịch hàng năm và không nhằm đáp trả hành động của bất kỳ quốc gia hoặc chủ thể nào khác.
STRATCOM tuyên bố mục đích của Global Thunder 23 là tăng cường khả năng sẵn sàng tấn công hạt nhân và đảm bảo lực lượng răn đe an toàn và đáng tin cậy.
Ngoài các lực lượng của Mỹ, Global Thunder 23 còn có sự tham gia của các nhân sự và đối tác quan trọng của các nước đồng minh.
Như những năm trước, trong khuôn khổ Global Thunder 23 sẽ có kế hoạch tăng cường điều động máy bay ném bom.
Mục tiêu chính thức của cuộc tập trận có vẻ khá đơn giản: huấn luyện lực lượng Mỹ phóng vũ khí hạt nhân chống lại kẻ thù của Washington, cũng như đánh giá khả năng sẵn sàng tác chiến phối hợp với các đồng minh - điển hình là Anh, Canada, Đan Mạch, Australia và Hàn Quốc.
Các lực lượng Mỹ tham gia tập trận gồm có Bộ Chỉ huy Tấn công Toàn cầu của Không quân Mỹ và các phi đội máy bay ném bom hạt nhân ở Bắc Mỹ, cộng với các lực lượng chịu trách nhiệm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ và các thủy thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân.
Cuộc tập trận Global Thunder đầu tiên được tổ chức vào tháng 10/2014 - cùng năm quan hệ giữa phương Tây và Nga lao dốc sau phong trào lật đổ chính quyền ở Kiev. Tuy nhiên, giới quan sát đã nghi ngờ về tuyên bố của STRATCOM rằng các cuộc tập trận không được tổ chức để đáp lại hành động của bất kỳ quốc gia nào.
Cuộc tập trận Global Thunder gần đây nhất được tổ chức vào tháng 11/2021, và chương trình của năm 2022 bị hoãn đến tận tuần này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang thành cuộc chiến ủy nhiệm của khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga.
Global Thunder 23 diễn ra vào thời điểm dễ gây lo ngại. Washington và các đồng minh năm ngoái đã liên tục cảnh báo về kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân có mục đích của Nga ở Ukraine, bỏ qua thực tế rằng Mỹ là quốc gia duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân trong thời chiến, cũng như việc chỉ có học thuyết của Mỹ cho phép sử dụng trước vũ khí hạt nhân và chống lại kẻ thù không có vũ khí hạt nhân.
Những cuộc tập trận hạt nhân gần đây
Một cuộc tập trận chỉ huy riêng biệt của STRATCOM mang tên Global Lighting được tổ chức vào tháng 1/2022 với sự phối hợp của Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Chương trình này tập trung vào một số quy trình và thủ tục cần thiết của trụ sở chính để lập kế hoạch và ứng phó với một cuộc khủng hoảng quân sự. Không giống như Global Thunder, Global Lightning không gồm hoạt động huấn luyện.
Tháng 10 năm ngoái, NATO tổ chức chương trình tập trận Steadfast Noon mô phỏng việc các đồng minh châu Âu sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ. Steadfast Noon diễn ra ở Bỉ, Anh và trên Biển Bắc. 14 quốc gia và 60 máy bay các loại, trong đó có cả máy bay ném bom có khả năng hạt nhân, đã tham gia.
Trong tháng đó, các lực lượng hạt nhân của Nga đã tổ chức tập trận hạt nhân riêng mang tên Grom cùng tháng, và thông báo đây là cuộc tập trận thường niên tuân thủ các nghĩa vụ kiểm soát vũ khí. Grom nhằm kiểm tra các bộ phận của cả ba yếu tố trong bộ ba hạt nhân của Nga, bao gồm phóng đạn thật của tàu ngầm, máy bay và hệ thống tên lửa hạt nhân trên mặt đất.
Các siêu cường hạt nhân không phải là những nước duy nhất tiến hành tập trận hạt nhân gần đây. Tháng trước, Triều Tiên đã tổ chức các cuộc tập trận kéo dài hai ngày nhằm mô phỏng một cuộc phản công hạt nhân nhắm đến các mục tiêu của kẻ thù – bao gồm cả việc bắn một tên lửa chiến thuật mang vũ khí hạt nhân giả, trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang vì Mỹ và hai đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường tập trận chung.
Mối nguy hiểm từ các vụ tập trận hạt nhân
Không cần phải quay về lịch sử xa xưa để nhận ra mối nguy hiểm mà các cuộc tập trận hạt nhân dẫn đến sự leo thang như thế nào. Gần 40 năm trước, vào tháng 11/1983, cuộc tập trận Able Archer của NATO đã suýt châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu sau khi quân đội và cơ quan tình báo KGB của Liên Xô tin rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đang sửa soạn một cuộc tấn công hạt nhân tổng lực bất ngờ chống lại Liên Xô.
Các tài liệu được giải mật gần đây đã tiết lộ rằng các quan chức Lầu Năm Góc đã cố tình thực hiện một số bước khiêu khích để làm tăng sự nghi ngờ của Liên Xô, điển hình là cuộc điều động 19.000 lính Mỹ tới châu Âu, huấn luyện về quy trình giải phóng vũ khí hạt nhân mới và nhiều “sự cố lỡ lời” liên quan đến việc gọi các chuyến bay của máy bay ném bom B-52 là “các cuộc tấn công”.
Các tài liệu giải mật bổ sung được công bố năm 2021 tiết lộ rằng quân đội Liên Xô đã cảnh giác về cuộc tập trận Able Archer đến mức họ đã trang bị vũ khí hạt nhân trực tiếp cho trên 100 máy bay tấn công ở Trung Âu.
Mặc dù các kênh liên lạc giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng đã được cải thiện so với thời điểm đó, nhưng tình hình liên quan đến vũ khí hạt nhân ngày nay có thể nói là còn nguy hiểm hơn so với giữa những năm 1980.
Cho đến nay, Mỹ không chỉ di chuyển cơ sở hạ tầng phòng thủ liên quan đến vũ khí hạt nhân đến gần biên giới Nga hơn 1.000 km mà còn đưa ra học thuyết quân sự mới nguy hiểm "Prompt Global Strike", dự kiến một cuộc tấn công phi hạt nhân quy mô lớn nhằm vào kẻ thù bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình để nhanh chóng hạ bệ giới lãnh đạo chính trị và quân sự của kẻ thù.
Lầu Năm Góc công bố học thuyết trên ngay sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo với Nga năm 2002. Động thái trên đã khiến Moskva bắt đầu nghiên cứu một loạt vũ khí siêu vượt âm thế hệ tiếp theo, được thiết kế đặc biệt để khiến các nhà hoạch định quân sự Mỹ phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định gây hấn.