Trong một phát biểu đưa ra ngày 11/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa từng coi Giám đốc điều hành (CEO) mạng xã hội Twitter và CEO của hãng xe điện Tesla Elon Musk là “tội phạm chiến tranh”.
Bình luận của ông Peskov được đưa ra sau khi tỷ phú công nghệ Elon Musk, một người tự xưng là “theo chủ nghĩa tự do ngôn luận tuyệt đối”, đã từ chối những lời kêu gọi thiết lập hạn chế đối với tài khoản của cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev sau khi chính trị gia này viết một bài dài tuyên bố Ukraine sẽ biến mất “vì không ai cần nước này nữa”.
Bảo vệ quyết định của mình, CEO của Twitter khẳng định ông đã được thông báo rằng Tổng thống Nga Putin “gọi tôi là tội phạm chiến tranh vì đã giúp đỡ Ukraine, vì vậy, ông ấy không hẳn là bạn thân của tôi”.
Tỷ phú Elon Musk nói thêm rằng “tất cả tin tức ở một mức độ nào đó đều là tuyên truyền” và mọi người nên được phép “tự đưa ra quyết định”.
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov hôm 11/3 đã bác bỏ tuyên bố rằng Tổng thống Nga Putin đã gọi tỷ phú Elon Musk là tội phạm chiến tranh.
Theo ông Peskov, rõ ràng, tỷ phú Elon Musk “đã nhận được một số thông tin không chính xác, hay nói chính xác hơn là thông tin giả mạo. Nó trông giống như một trò lừa bịp khác. Ông Putin chưa bao giờ nói điều đó”.
Phát biểu nêu trên của ông Peskov được đưa ra sau khi được yêu cầu bình luận về việc liệu Nga có bỏ chặn Twitter hay không sau khi nền tảng này dỡ bỏ một số hạn chế nhất định đối với tài khoản của các quan chức Nga.
Twitter đã bị cấm ở Nga kể từ mùa xuân năm ngoái sau khi Roskomnadzor, cơ quan quản lý truyền thông của Nga, cáo buộc nền tảng truyền thông xã hội này lan truyền thông tin sai lệch về cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Peskov cho rằng để có câu trả lời liên quan, cần liên hệ với Roskomnadzor. Bởi Roskomnadzor là cơ quan quyết định xem các yêu cầu có được đáp ứng hay không.
Ý tưởng bỏ chặn Twitter ở Nga đã được một số quan chức cấp cao của Nga đưa ra trong tuần này với lập luận rằng, dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Elon Musk, Twitter một lần nữa có thể là một nền tảng tốt để Moskva bày tỏ quan điểm của mình với người phương Tây.
Tuy nhiên, ý tưởng đã vấp phải một số phản đối từ một số nhà lập pháp Nga khi cho rằng Twitter vẫn “thù địch” với Nga và người theo dõi nó “chủ yếu là thân Ukraine”.