Đằng sau việc Mỹ rút khỏi trung tâm viện trợ vũ khí quan trọng cho Ukraine tại Ba Lan

Quyết định rút quân khỏi Jasionka – trung tâm hậu cần then chốt gần biên giới Ukraine – đang làm dấy lên lo ngại về cam kết an ninh của Mỹ với châu Âu. Ba Lan và NATO liệu có đủ sức thay thế?

Chú thích ảnh
Lực lượng Mỹ tham gia cuộc tập trận Saber Strike 2024 của NATO tại Orzysz, miền Bắc Ba Lan ngày 22/4/2024. Ảnh: PAP/TTXVN

Quân đội Mỹ sẽ rút quân và thiết bị khỏi Jasionka, một trung tâm hậu cần then chốt ở Đông Nam Ba Lan, nơi đã đóng vai trò là cửa ngõ chính để vận chuyển phần lớn vũ khí viện trợ cho Ukraine. 

Động thái này, được Lầu Năm Góc mô tả là một phần của nỗ lực tối ưu hóa hoạt động và tiết kiệm chi phí, diễn ra trong bối cảnh châu Âu ngày càng lo ngại về cam kết của Mỹ đối với an ninh khu vực dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, phía Mỹ khẳng định rằng các hoạt động viện trợ sẽ tiếp tục diễn ra dưới sự lãnh đạo của Ba Lan và NATO.

Theo thông tin từ trang Politico.eu ngày 8/4, quyết định rút quân khỏi Jasionka được cho là sẽ giúp Mỹ tiết kiệm được “hàng chục triệu USD”. Tướng Christopher Donahue, chỉ huy Quân đội Mỹ tại châu Âu và Châu Phi, cho biết: “Sau ba năm hoạt động tại Jasionka, đây là cơ hội để chúng tôi điều chỉnh lại sự hiện diện của mình”.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz cũng đã lên tiếng xác nhận thông tin này trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) hôm 8/4. Ông cho biết: “Các nhiệm vụ trước đây do lực lượng Mỹ thực hiện tại Jasionka hiện đang được các đồng minh khác tiếp quản. Quân đội Mỹ vẫn ở Ba Lan, nhưng được đồn trú tại các địa điểm khác nhau. Nhiệm vụ tại Jasionka hiện chủ yếu do lực lượng Na Uy, Đức, Anh và Ba Lan thực hiện, cùng với các lực lượng đồng minh khác”.

Sân bay Jasionka, nằm gần biên giới Ukraine, đã trở thành một khu vực tập kết quan trọng cho lực lượng Mỹ, NATO và các đối tác kể từ sau cuộc xung đột toàn diện Nga- Ukraine năm 2022. Bộ Quốc phòng Ba Lan từng tiết lộ vào tháng 1 năm nay rằng có tới 95% viện trợ quân sự cho Ukraine đã được vận chuyển qua Jasionka. Quân đội Mỹ đã đóng vai trò chủ đạo trong việc điều hành sân bay và điều phối việc vận chuyển vũ khí đến Ukraine.

Trong một tuyên bố, quân đội Mỹ khẳng định: “Công việc quan trọng là tạo điều kiện cho viện trợ quân sự cho Ukraine thông qua Jasionka sẽ tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Ba Lan và NATO. Ba Lan và các đồng minh sẽ duy trì cơ sở hạ tầng bảo vệ vững chắc xung quanh địa điểm quan trọng này”. Gần đây, Đức cũng đã tăng cường vai trò của mình trong việc bảo vệ địa điểm này bằng hệ thống phòng không Patriot.

Theo thông tin từ phát ngôn viên của quân đội Mỹ tại châu Âu và châu Phi, lực lượng Mỹ rút khỏi Jasionka sẽ được chuyển đến các địa điểm khác ở Ba Lan, nơi Mỹ duy trì sự đồn trú thường trực của khoảng 10.000 quân. Tuy nhiên, do yếu tố an ninh hoạt động, thời điểm cụ thể của việc rút quân chưa được tiết lộ.

Bộ Quốc phòng Ba Lan nhấn mạnh rằng hoạt động của trung tâm Jasionka vẫn diễn ra liên tục và không bị gián đoạn. Bộ này cũng cho biết nỗ lực chuyển giao trách nhiệm cho các đồng minh không thuộc Mỹ xuất phát từ các quyết định được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái ở Washington D.C., với việc thành lập một bộ chỉ huy mới mang tên Hỗ trợ An ninh và Đào tạo của NATO cho Ukraine. 

“Các trách nhiệm trước đây của họ tại Jasionka đang được các lực lượng đồng minh khác tiếp quản… Mọi hoạt động tại trung tâm hậu cần đều diễn ra mà không bị gián đoạn và thiết bị đang được chuyển hướng hiệu quả theo đúng các quy trình đã thiết lập”, Bộ Quốc phòng Ba Lan khẳng định.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh châu Âu ngày càng bày tỏ lo ngại về cam kết của Mỹ đối với quốc phòng châu Âu dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông Trump trước đây đã nhiều lần đe dọa sẽ không bảo vệ các quốc gia thành viên NATO mà ông cho là chi tiêu quá ít cho quốc phòng, đồng thời gây ra những lo ngại về chủ quyền của Greenland và Canada. Mặc dù vậy, Ba Lan, quốc gia phân bổ tới 4,7% GDP cho quốc phòng – mức cao nhất trong liên minh NATO – đã nhận được những lời khen ngợi từ phía Mỹ.

Bất chấp những lo ngại về sự thay đổi trong chính sách của Tổng thống Trump đối với Nga, áp lực của ông đối với Ukraine trong việc đạt được thỏa thuận hòa bình và cuộc chiến thương mại mà ông đã phát động gần đây đối với nhiều quốc gia, bao gồm cả các đồng minh NATO, các quan chức Ba Lan vẫn tiếp tục khẳng định rằng Mỹ là một đồng minh quan trọng. Quan điểm này cũng được Washington chia sẻ.

Ông Daniel Lawton, đại biện lâm thời tại Đại sứ quán Mỹ ở Warsaw, phát biểu: “Sự hỗ trợ của các bạn đã minh chứng cho mối quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia chúng ta và tăng cường sức mạnh cho quan hệ đối tác Mỹ-Ba Lan. Khi chúng ta thích ứng với những nhu cầu đang thay đổi, quá trình chuyển đổi này cho phép chúng ta duy trì sự hợp tác chặt chẽ trong khi sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn”.

Có thể thấy việc Mỹ rút khỏi trung tâm viện trợ vũ khí quan trọng Jasionka đánh dấu một sự thay đổi đáng chú ý trong cách thức hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Mặc dù hoạt động viện trợ được đảm bảo sẽ tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Ba Lan và NATO, động thái này không khỏi làm dấy lên những lo ngại về vai trò và cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu trong bối cảnh chính trị hiện tại.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Chia rẽ mới giữa Mỹ và châu Âu về Ukraine
Chia rẽ mới giữa Mỹ và châu Âu về Ukraine

EU trở thành tâm điểm khi các nước châu Âu bàn kế hoạch triển khai lực lượng tới Ukraine mà không có Mỹ. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump gửi tín hiệu rút lui, khiến đồng minh lo lắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN