Chia rẽ mới giữa Mỹ và châu Âu về Ukraine

EU trở thành tâm điểm khi các nước châu Âu bàn kế hoạch triển khai lực lượng tới Ukraine mà không có Mỹ. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump gửi tín hiệu rút lui, khiến đồng minh lo lắng.

Chú thích ảnh
Cờ NATO và quốc kỳ các nước thành viên tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Các hoạt động ngoại giao và quân sự dự kiến diễn ra trong tuần này một lần nữa cho thấy sự khác biệt sâu sắc giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trong chính sách đối với Ukraine. Theo Đài phát thanh châu Âu tự do RFE/RL (rferl.org) ngày 8/4, hai cuộc họp quan trọng diễn ra liên tiếp trong hai ngày tại trụ sở NATO ở Brussels tới đây đã làm nổi bật sự chia rẽ này.

Điều đáng chú ý là Mỹ sẽ vắng mặt trong cuộc họp đầu tiên và dường như cũng không đóng vai trò quan trọng trong cuộc họp thứ hai, khi các nước châu Âu đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch riêng của mình.

Cuộc họp đầu tiên, dự kiến diễn ra vào ngày 10/4 tới, sẽ có sự tham gia của các Bộ trưởng Quốc phòng từ cái gọi là liên minh “những người tự nguyện”. Liên minh này không chỉ bao gồm các quốc gia châu Âu mà còn có sự góp mặt của các nước ngoài châu lục như Canada và Australia.

Nhóm gồm 30 quốc gia này được thành lập vào đầu tháng 3 vừa qua sau cuộc tranh luận căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng. Một trong những mục tiêu chính của liên minh là thành lập một lực lượng quân sự để triển khai tới Ukraine sau khi lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình được thiết lập.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn trong việc thành lập lực lượng này là nhiều quốc gia, bao gồm cả Anh, đã tuyên bố rằng điều này chỉ có thể thực hiện được nếu có “sự hỗ trợ của Mỹ”, ngụ ý sự hỗ trợ về không quân, hậu cần và tình báo. Cho đến nay, vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng nào từ phía Mỹ cho thấy họ sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ này.

Cựu Tổng tư lệnh NATO tại châu Âu, Tướng Philip Breedlove, trong cuộc phỏng vấn với RFE/RL, đã bày tỏ nghi ngờ về ý chí chính trị của Washington trong việc tham gia. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng châu Âu vẫn nên tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình.

“Nếu (Tổng thống Nga) Putin thấy một liên minh lớn gồm những người tự nguyện, bao gồm Anh, Pháp và Đức, tôi tin rằng ông ấy sẽ phải cân nhắc”, Tướng Breedlove nhận định.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Đức có tham gia vào bất kỳ sự hiện diện quân sự nào ở Ukraine hay không. Quốc gia này đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi chính trị sau cuộc bầu cử vào tháng 2 năm nay, với các cuộc đàm phán về việc thành lập một chính phủ liên minh mới vẫn đang diễn ra.

Trong khi đó, Anh và Pháp đã thể hiện vai trò dẫn đầu trong liên minh, cam kết cung cấp sức mạnh quân sự cho nhiệm vụ này và sẽ tổ chức các cuộc đàm phán quan trọng vào ngày 10/4.

“Tôi nghĩ châu Âu hoàn toàn có khả năng tự mình thực hiện điều này. Nga rất cần một khoảng thời gian hòa bình do Mỹ tạo ra để có thể tái trang bị và củng cố lực lượng. Đây sẽ là món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể trao cho Nga, cho phép họ tái thiết”, Tướng Breedlove khẳng định. 

Những phát biểu của Tướng Breedlove lặp lại những bình luận trước đó của Tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại Châu Âu, cho rằng lực lượng châu Âu có “những người lính được trang bị tốt” và có khả năng xử lý tình hình mà không cần sự tham gia trực tiếp của Mỹ.

Tuy nhiên, sự tham gia của Mỹ vẫn là một vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của liên minh “những người tự nguyện”. Ông Jamie Shea, người từng đảm nhiệm nhiều chức vụ cấp cao khác nhau trong NATO trước khi nghỉ hưu vào năm 2018, chia sẻ: “Châu Âu phải tìm cách thuyết phục Tổng thống Trump ủng hộ ý tưởng này”.

“Rõ ràng đây sẽ là một lực lượng nhỏ và không hoạt động ở tuyến đầu… Vấn đề lớn là, liệu lực lượng này có bao giờ được triển khai nếu không có hòa bình và giao tranh vẫn tiếp diễn hay không?”, ông Shea đặt câu hỏi.

Một ngày sau cuộc họp của liên minh “những người tự nguyện”, sự chia rẽ xuyên Đại Tây Dương sẽ lại được thể hiện rõ ràng tại cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, một cơ chế được thành lập vào năm 2022 bởi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Lloyd Austin. Mục tiêu của nhóm là phối hợp viện trợ quân sự cho Ukraine sau cuộc xung đột với Nga.

Tuy nhiên, người kế nhiệm của ông Austin, Bộ trưởng Pete Hegseth, dường như đã quyết định bỏ qua cuộc họp này. Một tuyên bố từ Lầu Năm Góc vào ngày 4/4 thông báo rằng ông Hegseth sẽ có chuyến công tác tới Panama.

“Các nhà lãnh đạo của các đồng minh châu Âu của chúng ta nên chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ lục địa này" Bộ trưởng Hegseth phát biểu vào tháng 2 vừa qua, đồng thời kêu gọi châu Âu tăng cường chi tiêu quốc phòng. Ông Hegseth đã đưa ra những phát biểu trên một ngày sau khi tham dự nhưng không chủ trì cuộc họp trước đó của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine.

Cựu quan chức NATO Shea nhận định: “Sự vắng mặt của Bộ trưởng Hegseth cho thấy Mỹ không có gói hỗ trợ mới nào để công bố. Mỹ có lẽ vẫn đang ràng buộc viện trợ với kết quả đàm phán về thỏa thuận khoáng sản với Ukraine”.

Về phần mình, Tướng Breedlove không giấu được sự thất vọng: “Tôi coi Bộ trưởng Hegseth là một người bạn. Nhưng tôi phải nói rằng tôi nghĩ việc ông ấy không đến dự sự kiện sắp tới là một sai lầm lớn. Mỹ cần tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo ở châu Âu”.

Hai cuộc họp quan trọng tại Brussels cuối tuần này đang làm nổi bật một thực tế ngày càng rõ ràng: trong khi các đồng minh châu Âu đang tìm cách tăng cường vai trò của mình trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, thì Mỹ dưới thời chính quyền Trump dường như đang có xu hướng rút lui và đặt gánh nặng lên vai các đối tác châu lục. 

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Ukraine đặt ra ranh giới trước khi đàm phán về thỏa thuận khoáng sản với Mỹ
Ukraine đặt ra ranh giới trước khi đàm phán về thỏa thuận khoáng sản với Mỹ

Kiev quyết không đánh đổi tài nguyên quốc gia lấy viện trợ Mỹ. Ukraine tuyên bố chỉ chấp nhận thỏa thuận khoáng sản nếu phù hợp với lợi ích chiến lược và hội nhập EU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN