Ba Lan báo động kho vũ khí sụt giảm nghiêm trọng khi hỗ trợ Ukraine

Ba Lan đã hỗ trợ hàng tỷ USD vũ khí và đạn pháo cho Ukraine, nhưng điều này đồng nghĩa với việc kho dự trữ nội địa cạn kiệt. Chính phủ nước này đang gấp rút đầu tư và mở rộng sản xuất quốc phòng để tránh nguy cơ bị động.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ba Lan tham gia cuộc tập trận "Shield East" tại thao trường ở Orzysz, miền Bắc nước này. Ảnh: PAP/TTXVN

Theo trang tin quốc phòng Bulgarianmilitary.com ngày 31/3, một vị chỉ huy quân sự hàng đầu của Ba Lan vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng kho dự trữ đạn dược của quốc gia đã sụt giảm đáng kể do hỗ trợ rộng rãi cho Ukraine từ khi xung đột với Nga nổ ra vào năm 2022.

Thiếu tướng Maciej Klisz, chỉ huy tác chiến của lực lượng vũ trang Ba Lan, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng kho dự trữ của nước này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm dấy lên lo ngại về khả năng sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng.

Sự ủng hộ mạnh mẽ với cái giá đắt

Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Ba Lan đã chuyển giao hơn 320 xe tăng T-72 thời Liên Xô, hàng chục pháo tự hành Krab và hàng nghìn quả đạn pháo cho Ukraine, theo dữ liệu do Viện Kinh tế Thế giới Kiel tổng hợp. Khoản viện trợ này, trị giá hàng tỷ đô la Mỹ, đã giúp Ukraine duy trì cuộc chiến chống lại lực lượng Nga, đặc biệt trong các cuộc đấu pháo khốc liệt.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (RUSI) có trụ sở tại Anh, pháo binh chiếm tới 70% tiêu hao tại Ukraine, với cả hai bên bắn hàng chục nghìn viên đạn mỗi ngày. Tuy nhiên, các khoản viện trợ của Ba Lan - ước tính hơn 50.000 quả đạn pháo vào giữa năm 2023 - đã làm cạn kiệt kho dự trữ của nước này, buộc Warsaw phải dựa vào tăng sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Lời thừa nhận của Tướng Klisz báo hiệu rằng các kho dự trữ hiện tại của Ba Lan có thể không duy trì được một cuộc xung đột cường độ cao. Dariusz Lukowski, người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia Ba Lan, cũng đồng tình với nhận định này nhưng nhấn mạnh rằng cuộc chiến ở Ukraine mở ra cơ hội để xây dựng lại năng lực quân sự.

Vũ khí chủ lực và những thách thức

Điểm yếu được cảm nhận rõ nhất trong lĩnh vực pháo binh, nơi Ba Lan viện trợ đáng kể cho Ukraine. Pháo tự hành bánh xích AHS Krab, nền tảng của kho vũ khí hiện đại của Ba Lan, là ví dụ điển hình cho sự căng thẳng này.

Được phát triển bởi Huta Stalowa Wola, Krab là khẩu pháo tự hành 155mm được lắp trên khung gầm K9 Thunder của Hàn Quốc, với tầm bắn 40 km khi sử dụng đạn tiêu chuẩn hoặc lên đến 55 km với đạn tầm xa. Nó có thể bắn sáu quả đạn mỗi phút, tạo ra hỏa lực hủy diệt.

Ba Lan đã triển khai hơn 80 pháo Krab kể từ khi đưa vào phục vụ năm 2016, với kế hoạch mua thêm hàng chục khẩu pháo nữa vào năm 2026. Tuy nhiên, hiệu quả của hệ thống phụ thuộc vào nguồn cung cấp đạn pháo 155mm ổn định, nhiều trong số đó đã được chuyển hướng đến Ukraine, khiến các đơn vị Ba Lan có nguy cơ thiếu nguồn lực.

Trước tình hình này, Ba Lan đang chạy đua để giải quyết điểm yếu về kho dự trữ. Nước này hiện chi 4,7% GDP cho quốc phòng - nhiều hơn bất kỳ thành viên NATO nào khác, kể cả Mỹ - theo số liệu Chính phủ Ba Lan công bố đầu năm nay. Con số này tương đương khoảng 35 tỷ USD mỗi năm, vượt xa mức chuẩn 2% GDP do liên minh đặt ra.

Thủ tướng Donald Tusk đã công bố các kế hoạch đầy tham vọng, bao gồm tăng gấp đôi lực lượng quân đội từ 200.000 quân hiện tại lên 500.000 quân và đào tạo hàng triệu quân dự bị. Trong bài phát biểu trước quốc hội, ông Tusk đã phác thảo tầm nhìn về Ba Lan như một cường quốc quân sự, có khả năng giữ vững phòng tuyến trước mọi kẻ thù.

Sự tăng cường này được bổ sung bởi sáng kiến "Lá chắn phía Đông", một dự án trị giá 2,6 tỷ USD nhằm củng cố biên giới bằng các chiến hào, cảm biến và tối đa một triệu quả mìn chống bộ binh, theo tiết lộ của Thứ trưởng Quốc phòng Paweł Bejda.

Tập đoàn PGZ do nhà nước sở hữu đã tăng sản lượng đạn dược, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu cấp thiết. Theo báo cáo tháng 11/2024 của trang tin quốc phòng Army Recognition (Bỉ), Ba Lan đã phân bổ 3 tỷ zloty (khoảng 750 triệu USD) để đẩy nhanh quá trình sản xuất đạn dược, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy dự trữ đã đạt đến mức báo động.

Bộ Quốc phòng Ba Lan cũng đã ký kết các hợp đồng với nhà cung cấp Mỹ và châu Âu, bao gồm thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD cho đạn pháo 155mm được trang tin Defense News công bố vào năm 2023. Tuy nhiên, thời hạn giao hàng kéo dài đến cuối năm 2025, tạo ra khoảng trống về an ninh mà đối thủ có thể khai thác.

Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp quốc phòng của Ba Lan, dẫn đầu là các công ty như PGZ và WB Group, đang mở rộng để đáp ứng nhu cầu trong nước và khai thác thị trường xuất khẩu. Pháo tự hành Krab đã thu hút sự quan tâm từ Romania và Slovakia, với các thỏa thuận tiềm năng đang chờ xử lý.

Kể từ năm 2022, Ba Lan đã tiếp đón hàng nghìn lính Mỹ và nhận được các hệ thống tiên tiến như phòng không Patriot và xe tăng Abrams, củng cố vai trò tuyến phòng thủ sườn phía Đông trong NATO. Tuy nhiên, việc cạn kiệt kho đạn dược của nước này làm nổi bật một nghịch lý: Sự hào phóng đối với Ukraine đã củng cố sức đề kháng của Kiev nhưng khiến Warsaw phải vật lộn để nạp lại kho vũ khí của chính mình.

Tổng thư ký NATO đã ca ngợi cam kết GDP 4,7% của Ba Lan trong một tuyên bố vào đầu tháng 3 này, gọi đó là mô hình cho liên minh. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt đạn dược đặt ra câu hỏi về khả năng răn đe.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Liệu ngoại giao con thoi có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine?
Liệu ngoại giao con thoi có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine?

Các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực chấm dứt giao tranh Ukraine. Ngoại giao con thoi liệu có thể giúp Nga và Ukraine tìm ra lối thoát?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN