Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bộ, ban, ngành, các tỉnh trong vùng Thủ đô và đại diện sở, ban, ngành, UBND quận, huyện của thành phố Hà Nội.
Tại Hội nghị, đại biểu đã nghe Báo cáo kết quả thi hành Luật Thủ đô, Báo cáo định hướng chính sách lớn xây dựng Luật Thủ đô từ kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô tại Hà Nội và tham luận của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Giang; đồng thời, trao đổi, thảo luận, đánh giá về kết quả thi hành Luật cũng như định hướng, kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành Luật Thủ đô thời gian tới.
Qua tổng kết cho thấy, việc thực hiện chính sách đặc thù quy định trong Luật đã giúp thành phố Hà Nội đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thi hành Luật còn tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Một những nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế là do một số quy định của Luật Thủ đô chưa cụ thể, thiếu tính hợp lý, không khả thi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ngay sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, với sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan nhà nước ở Trung ương, thành phố Hà Nội, các tỉnh trong vùng Thủ đô, việc quán triệt, phổ biến Luật cũng như văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được tổ chức thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, đa dạng về hình thức, thu hút sự tham gia của hàng ngàn lượt người.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan, nhất là thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động, chỉ đạo quyết liệt việc soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật để trình cấp có thẩm quyền ban hành. Các văn bản được ban hành có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình soạn thảo, bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Đến nay đã có 34 văn bản được cơ quan ban hành để quy định chi tiết 21/21 nội dung của Luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: Sau 9 năm thi hành, Luật Thủ đô và văn bản quy định chi tiết đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền các cấp, nhân dân thành phố về vị trí, vai trò, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô. Việc thực hiện chính sách, cơ chế đặc thù quy định trong Luật góp phần giúp thành phố đạt được một số thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Theo ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), các cơ chế đặc thù quy định trong Luật góp phần giúp Thủ đô huy động được nguồn lực to lớn, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thi hành Luật Thủ đô và thực hiện một số chính sách đặc thù của Luật trên địa bàn thành phố còn những hạn chế. Cụ thể, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; chưa phát huy hết thế mạnh về vốn, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; công nghệ, quản lý sản xuất chậm đổi mới, năng suất lao động tăng chậm, hiệu quả chưa cao.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công còn chậm. Chất lượng sản phẩm hàng hóa còn thấp, chưa tạo ra sản phẩm thực sự là mũi nhọn, chủ lực có sức cạnh tranh cao. Chất lượng tăng trưởng công nghệ, dịch vụ còn hạn chế. Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất còn thấp, chưa đồng bộ. Trình độ quản lý, sức cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nhiều doanh nghiệp thấp.
Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, thời gian qua, thành phố đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Thủ đô, phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo đó, thành phố đã đề xuất cụ thể 9 chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là những nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp, chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô trong giai đoạn mới. Các quan điểm, định hướng, nội dung của 9 chính sách đã được báo cáo, xin ý kiến tại 2 hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Nhằm hoàn thiện pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới theo Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô, Hội nghị đã trao đổi, thống nhất về một số quan điểm, định hướng xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) như: Bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013; thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các đại biểu cũng đề xuất quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô khác với quy định của luật hiện hành hoặc chưa được các luật hiện hành quy định. Trong đó, tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phân quyền, phân cấp cho thành phố nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố; đồng thời, có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Ngoài ra, quy định cơ chế, chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về nâng cao năng lực tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; phát triển đô thị, nông thôn; phát triển văn hóa, xã hội và khoa học, công nghệ, phù hợp vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại”; có quy định để quy định về cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi) được ưu tiên áp dụng so với các luật khác.
Đặc biệt có chính sách đặc thù về thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô như tuyển dụng thẳng, không qua thi tuyển vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Thủ đô. Thành phố Hà Nội được quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm; tạo thể chế thuận lợi không chỉ cho Thủ đô mà cả vùng Thủ đô và đối tác tham gia xây dựng Thủ đô, hướng tới xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, trở thành động lực phát triển của vùng cũng như cả nước, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.