Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam là sự kiện thường niên từ năm 2014 đến nay ,do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) chủ trì; phối hợp với các cơ quan Hà Nội, đơn vị liên quan tổ chức.
Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất và các đơn vị (Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại/Khuyến công...) của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sản phẩm trưng bày, quảng bá giới thiệu gồm: Sản phẩm đặc sản, đặc trưng của các vùng miền; các sản phẩm đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý: thủy hải sản chế biến, nông sản thực phẩm chế biến, đồ uống, sản phẩm gia vị, trái cây, bánh kẹo, chè, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng... đảm bảo chất lương, VSATTP, xuất xứ hàng hóa.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2019. Ảnh: HPA
Theo BTC cho biết, Hội chợ năm nay sẽ có quy mô khoảng 5.000 m2, với khoảng 300 gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Lễ khai mạc sẽ diễn ra lúc 19 giờ ngày 25/11, sau đó sẽ mở cửa đến hết ngày 29/11 (từ 9 giờ sáng đến 21 giờ tối).
Trong khuôn khổ Hội chợ sẽ diễn ra các hoạt động giao thương, kết nối, tư vấn doanh nghiệp, với sự góp mặt của các nhà phân phối lớn (AEON, Central Group, Lotte…), trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, nhà sản xuất…
Cũng trong khuôn khổ Hội chợ, sẽ có hoạt động trình diễn sản phẩm, quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch như: Trình diễn, tôn vinh sản phẩm truyền thống; Trình diễn tay nghề của các nghệ nhân làng nghề; Trình diễn thưởng trà Vùng Tây Bắc, quy trình sao tẩm chè sạch từ các vùng chè nổi tiếng và giới thiệu văn hóa trà; Trình diễn ẩm thực các vùng miền; Trình diễn, quảng bá thương hiệu đặc sản trái cây: Cam (Cao Phong, Hà Giang, Hàm Yên), xoài Cao Lãnh; cà phê (Buôn Mê Thuật); Sâm Ngọc Linh (Quảng Nam)...
Theo đánh giá của BTC, sau 6 năm tổ chức thành công, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam không ngừng đổi mới, nâng cao về chất lượng, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch có uy tín cao được Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố đánh giá cao; là sự kiện thương mại có tính lan tỏa, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sản, tiêu biểu của các địa phương, vùng miền trong cả nước đến thị trường Hà Nội và phục vụ xuất khẩu.
Hội chợ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng-tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu. Đây cũng là nơi để các nhà phân phối tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa, là sự kiện được người tiêu dùng Thủ đô, doanh nghiệp, khách du lịch trong và ngoài nước hưởng ứng, chờ đợi vào dịp cuối năm để đến thăm quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa vùng miền Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Đại dịch COVID- 19 tại Việt Nam được kiểm soát. Đồng thời, sự kiện giúp nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu sản phẩm Việt, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
"Sự kiện kỳ vọng thu hút khoảng 80.000 - 90.000 lượt doanh nghiệp, người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, giao dịch tại Hội chợ. Cùng với đó, lựa chọn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để giới thiệu tại các chương trình Tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài (Tuần hàng Hà Nội-Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Tuần hàng nông sản Việt Nam tại Pháp...) tiến tới xuất khẩu, đưa vào hệ thống phân phối tại các nước", đại diện HPA chia sẻ.