Hà Nội đề xuất bỏ ga ngầm C9 gần hồ Hoàn Kiếm trên tuyến Metro số 2

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến các bộ, ngành về 3 phương án hướng tuyến ga ngầm C9 (thuộc dự án Metro số 2); trong đó có tính đến phương án bỏ ga ngầm C9 gần hồ Hoàn Kiếm...

UBND TP Hà Nội vừa gửi văn bản số 506/UBND-ĐT đến các bộ, ban, ngành liên quan về việc quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (Metro 2)-đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo).

Qua việc tiếp thu ý kiến của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại văn bản số 1412/BVHTTDL-DSVH ngày 4/4/2021, TP Hà Nội đã giao các đơn vị rà soát, tập trung nghiên cứu các phương án điều chỉnh hướng, tuyến, vị trí của ga C9-ga hồ Hoàn Kiếm theo nguyên tắc đảm bảo kỹ thuật chạy tàu, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu vực dân cư phố cổ và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình di tích lịch sử quốc gia hồ Hoàn Kiếm.

Chú thích ảnh
Phối cảnh ga tàu điện ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: MRB.

Từ đó, UBND TP Hà Nội đã xác định 3 phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9. Đáng chú ý trong 3 phương án đó, phương án số 3 là bỏ ga ngầm C9 hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai.

Nội dung của phương án số 3 này nêu rõ: Đoạn tuyến từ C8 đến C10 dài khoảng 2,6 km. Để đảm bảo an toàn khi vận hành, khai thác, trong trường hợp bỏ ga ngầm C9 hoặc xem xét xây dựng trong tương lai đều bắt buộc phải có tháp thông gió và lối thoát hiểm cho hành khách khi xảy ra trường hợp khẩn cấp giữa 2 ga; các hạng mục này sẽ được xây dựng sau khi hoàn thành thi công tuyến ngầm.

Riêng trường hợp xây dựng ga C9 sau khi tuyến đã đi vào vận hành có thể gặp khó khăn, dự kiến kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng và thời gian thi công kéo dài.

Đánh giá về phương án này, Ban Quản lý dự án Đường sắt Đô thị Hà Nội (MRB) cho rằng, việc bỏ ga C9 là tiết kiệm nhất. Tổng mức kinh phí xây đoạn hầm từ C8 đến C10 chỉ còn hơn 3.320 tỷ đồng. Diện tích đất cần giải phóng ít nhất, tuyến giữ nguyên được hướng tuyến như quy hoạch trước đó và không xâm phạm đến vùng bảo vệ di tích hồ Hoàn Kiếm.

Tuy nhiên, theo MRB, việc bỏ ga ngầm C9 sẽ không giải quyết được vấn đề ùn tắc quanh di tích hồ Hoàn Kiếm, giảm hành khách, dẫn đến ảnh hưởng hiệu quả mạng lưới đường sắt đô thị. Không có ga ngầm C9 cũng làm giảm sự thuận tiện của người dân khi di chuyển trong khu vực hồ Hoàn Kiếm, ảnh hưởng đến lộ trình hạn chế xe cá nhân.

Hai phương án còn lại mà TP Hà Nội đề xuất lấy ý kiến gồm: Phương án 1, ga C9 được kéo ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và trụ sở HĐND-UBND TP Hà Nội. Ga C9 dài 202,4 m, rộng 15 m, sâu 31 m và có 2 cửa lên xuống. Kết cấu ga cách tòa nhà gần nhất khoảng 3 m.

Phương án 2 (phương án ban đầu), ga C9 được đặt trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội, dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm. Ga dài 150 m; rộng 21,4 m và sâu 20 m; đỉnh ga cách mặt đất khoảng 2,5 m. Nhà ga có 4 cửa lên xuống, xây theo mô hình 3 tầng song song đồng mức. Tầng trên cùng là sảnh, ở giữa là khu vực kỹ thuật và dưới cùng là nơi đón trả khách. Dự kiến tổng chi phí xây dựng đoạn từ ga C8 đến C10 là 3.870 tỷ đồng.

Với phương án 1, MRB đã tham mưu cho TP Hà Nội: Sẽ tăng diện tích giải phóng mặt bằng, đội chi phí. Ước tính tổng chi phí xây dựng đoạn hầm ngầm từ ga C8 đến C10 là hơn 4.310 tỷ đồng, cao hơn phương án 2 hơn 440 tỷ đồng. Ga xếp chồng 4 tầng có thể gây lún nền, rủi ro xây dựng do đất phủ mỏng.

Với phương án 2, MRB nhận định: Ưu điểm của phương án này là hướng tuyến ngầm và quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 phù hợp với quy hoạch được duyệt. Việc này giúp tránh được rắc rối, khiếu kiện pháp lý khi đổi hướng tuyến, diện tích giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, phương án này đang bị phản đối do phần lớn nhà ga và một cửa lên xuống nằm trong vùng bảo vệ II của khu di tích hồ Hoàn Kiếm. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và một số chuyên gia cho rằng vị trí này vi phạm Luật Di sản.

Trước đó, theo phương án đã được phê duyệt, tuyến đường sắt Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo có chiều dài 11,5 km, trong đó đoạn trên cao 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km. Tổng đầu tư của dự án hơn 34.670 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước.

Sau hơn 10 năm dự án được phê duyệt vẫn chưa thể thi công do có nhiều tranh cãi, ý kiến trái chiều, thậm chí phản đối từ dư luận và cơ quan nhà nước về phương án thiết kế ga ngầm C9. Tháng 3/2021, lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo MRB và các đơn vị liên quan nghiên cứu 3 phương án quy hoạch ga C9 và đề xuất báo cáo UBND TP xem xét trong tháng 3/2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu thăm tuyến Metro số 3 Hà Nội
Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu thăm tuyến Metro số 3 Hà Nội

Sáng 19/2, ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu (EC) đã đến thăm tuyến đường sắt đô thị Hà Nội (Metro số 3) đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN