Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, loại hình buýt nhanh BRT đã mang lại những kết quả tích cực, được nhân dân tin tưởng sử dụng và đánh giá tốt. Chất lượng phục vụ được duy trì ổn định, sản lượng hành khách ngày càng tăng và doanh thu luôn được duy trì ở mức cao.
Cụ thể, giai đoạn từ 2017 - 2019 (giai đoạn chưa chịu tác động của dịch COVID-19), tổng hành khách vận chuyển năm 2017 đạt 4,9 triệu lượt hành khách; năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt hành khách, tăng 6,3% so với năm 2017; năm 2019 đạt 5,5 triệu lượt hành khách, tăng 3,7% so với năm 2018.
Khách bình quân/lượt năm 2017 đạt 40,1 hành khách/lượt; năm 2018 đạt 42,6 hành khách/lượt, tăng 6,2% so với năm 2017; năm 2019 đạt 42,8 hành khách/lượt, tăng 0,7% so với năm 2018. Khách bình quân giờ cao điểm trong điều kiện bình thường đạt 70 hành khách/lượt, nhiều lượt xe vận chuyển tới trên 100 hành khách.
Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sản lượng hành khách đã phục hồi và tăng trưởng trở lại, qua kết quả khảo sát đếm khách cho thấy, hệ số sử dụng sức chứa bình quân ngày thường của tuyến đạt 0,85 tương ứng với 76,7 hành khách/lượt xe. Đây là kết quả tương đối cao so với bình quân của toàn mạng trong 9 tháng năm 2022 là 28,6 hành khách/lượt. Tỷ lệ trợ giá/chi phí năm 2020 là 48,6%, thấp thứ nhất toàn mạng; năm 2021 tỉ lệ này là 65,2%, thấp thứ nhất toàn mạng, tuy nhiên so với năm 2020 cao hơn là do năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Năm 2023, sản lượng hơn 5,8 triệu lượt hành khách (tăng 9,2% so với năm 2022); 16.048 hành khách/ngày (tăng 9,2% so với năm 2022); tem vé tháng 1 tuyến 2.468 cái/tháng (tăng 72% so với năm 2022) cao nhất toàn mạng; tỷ lệ xuất bến đúng giờ đạt 97%; Doanh thu đạt 19,2 tỷ đồng (tăng 40% so với năm 2022) cao nhất trong các tuyến buýt của cả thành phố.
Về chất lượng dịch vụ, qua kết quả khảo sát hành khách về chất lượng dịch vụ tuyến buýt BRT, tỉ lệ hành khách hài lòng chiếm 63%, chấp nhận được chiếm tỉ lệ 35%, cho thấy dịch vụ trên tuyến được duy trì tốt.
Đối với công tác vận hành, về tổ chức giao thông, xe BRT được bố trí chạy trên làn riêng và tổ chức giao thông dọc tuyến cũng hướng tới tạo thuận lợi cho BRT vận hành nhờ vậy, xe BRT chạy được thông thoát, êm thuận, tốc độ chạy xe trung bình gần 20km/h (nhanh hơn buýt thường khoảng 30%); thời gian chạy xe trung bình là 45 phút/lượt (giảm gần 20% so với xe buýt thường).
Do có làn riêng, thời gian chạy xe ổn định, tỉ lệ đúng giờ cao tạo độ tin cậy cao cho hành khách sử dụng dịch vụ.Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đánh giá, nhờ thời gian qua luôn chú trọng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhà chờ được thiết kế với không gian riêng, hiện đại, hệ thống cửa mở tự động đồng bộ với cửa xe rất tiện nghi, an toàn cho hành khách.
Phương tiện, hiện đại, tiện nghi, sàn xe đồng mức với nhà chờ, sức chứa lớn; số tự động; khoang rộng tiện nghi cho hành khách. Sàn xe và sàn nhà chờ đồng mức, giúp hành khách lên xuống xe an toàn, thuận tiện. Vé đi xe được bán và kiểm soát ngay tại nhà chờ, hành khách đi xe không phải mua vé trên xe tạo tiện lợi, nhanh chóng khi đi xe vì vậy cũng đã thu hút được nhiều người đi BRT. .
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, việc vận hành tuyến BRT cùng với một loạt các hoạt động tổ chức giao thông trên tuyến bên cạnh việc tác động tích cực để thu hút người dân hạn chế phương tiện cá nhân đi xe buýt, thu hút thêm nhóm hành khách mới (khách là cán bộ, công chức, viên chức...).
Hoạt động của tuyến BRT cũng góp phần cải thiện trật tự giao thông trên tuyến, cải thiện ý thức chấp hành giao thông và nhận thức xã hội. Trên tuyến đã hình thành các hành vi tích cực như: đi đúng làn đường quy định, các phương tiện đã có ý thức đi lại trật tự hơn, có ý thức hơn trong việc dành đường cho tuyến BRT và hạn chế chiếm làn của các phương tiện khác. Nhờ ý thức của người tham gia giao thông có chuyển biến nên trật tự giao thông trên tuyến đã được cải thiện, ùn tắc và tai nạn giao thông giảm.
Kết nối mạng lưới mở rộng vùng phục vụ, mạng lưới xe buýt đã được cơ cấu lại để tăng cường năng lực cho BRT. Trên 40 tuyến buýt đã được tổ chức lại hình thành sự kết nối ngang và dọc tuyến tạo thuận lợi cho hành khách chuyển tuyến (hành khách tiếp cận tuyến buýt BRT01 chủ yếu là trung chuyển từ các tuyến buýt khác chiếm tỉ lệ 38,6%).
Đối tượng hành khách đi lại đã chuyển dịch sang đi lại thường xuyên. Cơ cấu hành khách trên tuyến buýt BRT01 có sự khác biệt so với các tuyến buýt thường. Tuyến này có nhóm hành khách cán bộ công chức - viên chức, và nhân viên văn phòng chiếm một tỉ lệ khá cao, tới 79% (cán bộ, công chức viên chức chiếm 43%, nhân viên văn phòng chiếm 36%). Đối với các tuyến buýt thường, tỉ lệ hành khách của nhóm này chỉ chiếm 22%.
Bài cuối: Cần tiếp tục đánh giá để có chiến lược tốt