Hình ảnh về nữ nhân viên y tế mắng bệnh nhân được cắt ra từ video gây tranh cãi trên. |
Khi biết việc bệnh nhân tự ý đi hút thai mà không điện thoại nhờ bác sĩ tư vấn (số điện thoại được ghi trong sổ khám bệnh), nhân viên y tế này đã mắng bệnh nhân bằng ngôn ngữ rất khó nghe: "Ngu thì chết…", "Bà học đến lớp mấy mà bà thông minh thế hả bà H. này?"...
Từ vụ việc trên, một lần nữa lại xới lên vấn đề lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của người thầy thuốc, mà xã hội thường gọi là y đức.
Sự việc vừa nêu không còn là hãn hữu trong giao tiếp giữa nhân viên y tế và bệnh nhân tại các bệnh viện hiện nay. Lâu nay, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đã gây nhiều điều tiếng, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người thấy thuốc.
Ở khía cạnh nào đó thì cũng có thể thông cảm, bởi trong điều kiện làm việc đầy rủi ro, khó khăn, vất vả, cường độ lao động cao, trách nhiệm lớn… khó tránh khỏi những hệ lụy ảnh hưởng tới tinh thần, thái độ phục vụ của người thầy thuốc.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thái độ phục vụ người bệnh chưa thật đúng mực của một bộ phận nhân viên y tế. Kết quả của một cuộc điều tra xã hội học cho thấy, có đến 70% đội ngũ y bác sĩ vi phạm vấn đề y đức với các biểu hiện: Kê đơn thuốc đắt tiền để hưởng phần trăm hoa hồng của dược viên; móc ngoặc chuyển bệnh nhân về phòng khám tư; thiếu tôn trọng bệnh nhân; lơ là, sao nhãng không hoàn thành nghĩa vụ; gây khó khăn cho bệnh nhân để nhận tiền bệnh nhân...
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Cũng theo thống kê, có tới 74% bác sĩ khi được phỏng vấn đều cho rằng là do lương thấp. Ngoài ra là do quá tải, trình độ chuyên môn kém, chưa thực sự yêu nghề và một phần cũng do chưa được đào tạo đạo đức y đức trong nhà trường.
Có thể, người bệnh có sự cảm thông nhất định trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy. Tuy nhiên, người thầy thuốc cũng không thể lấy đó để biện minh cho thái độ ứng xử không đúng mực với người bệnh dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Y đức phải được sự xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của những người thầy thuốc, có y đức thì dù trong môi trường nào họ cũng sẽ hành động vì tình người.
Thực tế cho thấy, ở các bệnh viện hoặc các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, sự thiếu đồng cảm, thiếu ân cần, tỷ mỷ trong việc khám, điều trị cho người bệnh là điều dễ thấy ở đội ngũ nhân viên y tế.
Vẫn biết, sự phát triển gắn liền với những tác động tiêu cực của xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến người thầy thuốc. Thế nên, tình trạng nhân viên y tế nhận phong bì, hoặc có thái độ không đúng mực đối với bệnh nhân cũng là dễ hiểu.
Những tác động tiêu cực dù ít, dù nhiều cũng đã làm xói mòn đạo đức, ảnh hưởng tới sự trau đồi chuyên môn, chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh của người thầy thuốc. Có lẽ, việc Bộ Y tế ban hành thông tư quy định quy tắc ứng xử của nhân viên y tế là cần thiết.
Tuy nhiên, mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” giữ gìn thanh danh của người thầy thuốc.