GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (ảnh), đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp nhằm tránh tái diễn những sai sót trong công tác tiêm chủng.
* Mặc dù ngành y tế đã có đầy đủ các quy trình nhưng xâu chuỗi các sự cố tiêm chủng trong 1 - 2 năm gần đây cho thấy dường như nhiều cơ sở y tế vẫn lơ là giám sát thực hiện quy trình chuyên môn; hoạt động giám sát cũng chỉ thực hiện bài bản khi triển khai các chiến dịch tiêm chủng. Cần làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa GS?
Đúng là việc kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt hơn trong các chiến dịch tiêm chủng, ví dụ như chiến dịch tiêm vắcxin sởi - rubella đang triển khai hiện nay được thực hiện tốt hơn so với các hoạt động tiêm chủng thường xuyên nhờ sự tham gia vào cuộc một cách chủ động của các thành viên trong ban chỉ đạo chiến dịch các cấp. Hiện nay, do nguyên nhân khách quan về nguồn lực (gồm cả kinh phí và nhân lực) nên việc kiểm tra, giám sát các điểm tiêm chủng trong tiêm chủng thường xuyên chưa thể thực hiện thường xuyên với độ bao phủ các điểm tiêm chủng với tần suất cao. Nhưng nếu mỗi cán bộ y tế thấy rõ trách nhiệm của mình, chú trọng nâng cao y đức và chủ động thực hiện nghiêm các quy trình chuyên môn cộng với việc kiểm tra giám sát thường xuyên, thì chắc chắn sẽ hạn chế được các sai sót y tế đáng tiếc.
* Ngành y tế nói chung, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói riêng sẽ có giải pháp nhằm hạn chế các sai sót tiêm chủng tương tự, thưa GS?
Theo tôi, Bộ Y tế cần xem xét để đưa ra những văn bản cụ thể hơn nhằm tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện quy trình chuyên môn trong toàn hệ thống y tế, trong đó có hoạt động tiêm chủng. Khi từng đơn vị y tế đều tăng cường vai trò của bộ phận giám sát, kiểm tra đánh giá nội bộ, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo các tồn tại, triển khai các giải pháp khắc phục, rồi tổng hợp thành báo cáo, rút kinh nghiệm trong toàn hệ thống... thì những sai sót y tế nói chung sẽ được giảm thiểu.
Hiện nay, theo quy định, Cục Y tế Dự phòng, Thanh tra Bộ Y tế có nhiệm vụ chủ trì và phối hợp với các vụ cục có liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vắcxin trên phạm vi cả nước; Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia có trách nhiệm trong việc lập kế hoạch, cung ứng vắcxin; tập huấn về giám sát, điều tra phản ứng sau tiêm cho Hội đồng tư vấn chuyên môn cấp tỉnh; Các viện khu vực chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật và giám sát việc sử dụng vắcxin tại các địa phương theo phân vùng quản lý; Sở Y tế tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động sử dụng vắcxin trên địa bàn tỉnh; Phòng Y tế huyện kiểm tra, thanh tra hoạt động tiêm chủng trên địa bàn quản lý; Trách nhiệm của cơ sở tiêm chủng là tuân thủ quy trình chuyên môn kỹ thuật về sử dụng vắcxin và an toàn tiêm chủng và theo dõi, thực hiện báo cáo theo qui định... Và theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức triển khai tiêm chủng, sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế. Do đó, để hạn chế sai sót trong y tế thì vai trò lãnh đạo của các UBND và Sở Y tế là rất quan trọng. Kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành tiêm chủng của tôi cho thấy, ở đâu lãnh đạo UBND quan tâm đến công tác y tế thì ở đó việc phòng chống dịch bệnh nói chung và công tác tiêm chủng nói riêng sẽ đạt hiệu quả cao.
* Xin cảm ơn GS!
Phương Liên (thực hiện)