Đây là một phần của sáng kiến do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng, kết hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục Đào tạo, và nằm trong một chuỗi các sự kiện quan trọng về khoa học công nghệ diễn ra liên tiếp trong thời gian qua. Đây cũng là một trong những bước chuẩn bị cho “Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0” dự kiến sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay.
Trên 100 nhà khoa học trẻ người Việt đến từ nhiều quốc gia khác nhau, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, có học hàm học vị khác nhau, nhưng đều là những cá nhân có quá trình làm việc chuyên sâu trong các lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt là những lĩnh vực nền tảng của công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật... Họ sẽ cùng tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến xây dựng một “hệ sinh thái” về đổi mới và sáng tạo, để cùng chung tay với Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đóng góp vào tiến trình phát triển chung của đất nước trong thời kỳ mới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các bộ ngành, cơ quan của Chính phủ sẽ lắng nghe, nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học trẻ tài năng, từ đó tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng một “hệ sinh thái” đổi mới và sáng tạo trên cả nước. Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học, tri thức trẻ được sống và làm việc thoải mái tại quê hương.
Sự phát triển mang tính bứt phá về kinh tế xã hội của một quốc gia thường gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ, mà đặc trưng của nó là đổi mới và sáng tạo. Trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nền khoa học công nghệ nước nhà rất cần sự đóng góp của đội ngũ tri thức Việt kiều là những người đang tham gia vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất của thế giới.
Hiện có hơn 400.000 người Việt Nam đang làm việc trong các lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài. Họ đều có chung một tấm lòng hướng về quê hương cội nguồn, một niềm khát khao được cống hiến cho đất nước. Nếu được phát huy, nguồn lực quan trọng này có thể trở thành những hạt nhân lan tỏa, góp phần đưa Việt Nam bứt phá trên bản đồ khoa học và công nghệ thế giới.
Thu hút đội ngũ tri thức người Việt ở nước ngoài là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Đã có nhiều chương trình giao lưu, hợp tác để kết nối với nguồn nhân lực chất lượng cao khổng lồ này, nhưng không phải chương trình nào cũng mang lại hiệu quả. Trong rất nhiều trường hợp, những nỗi háo hức, hăm hở ban đầu của giới khoa học không được tiếp sức, thậm chí còn bị cản trở bởi những “nút thắt” về cơ chế, về hạ tầng kỹ thuật.
Với những người làm khoa học nói chung, vấn đề không chỉ nằm tiền lương, sự hậu đãi. Quan trọng hơn, họ cần những cơ chế, chính sách và thiết chế phù hợp để có thể phát huy tối đa nguồn năng lượng và trí tuệ trong công việc. Gỡ được các “nút thắt” này sẽ là chìa khóa để mở ra cánh cửa khoa học công nghệ ở trong nước cho giới tri thức Việt kiều về cống hiến.
Trong thời gian qua, hệ thống pháp lý trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ở nước ta đã được ban hành khá đầy đủ, tạo cơ sở cho việc đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động khoa học, xây dựng chính sách thu hút nhân tài, phát huy tối đa tiềm năng của đội ngũ tri thức trong hoạt động nghiên cứu và sáng tạo. Việt Nam đã thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, đã lấy ngày 18/5 hằng năm là “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam” để vinh danh các nhà khoa học. Đặc biệt, Luật Khoa học và Công nghệ đang tạo ra những bước phát triển đột phá trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Với những nỗ lực cả từ hai phía, hoàn toàn có thể hy vọng chúng ta sẽ thành công trong chính sách trọng dụng nhân tài thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, để giới tri thức người Việt ở nước ngoài sẽ thực sự “là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.