Toàn dân xây dựng Hiến pháp

Ngày 28/12/2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký ban hành Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 .


Theo đó, việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải được thực hiện với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Mọi người Việt Nam chúng ta đều biết, sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia, liên quan trực tiếp đến cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bởi vì ở nước ta, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp. Do đó, việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng là nhằm phát huy đầy đủ và sâu sắc hơn nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, rộng lớn đối với toàn dân và cả hệ thống chính trị.


Thông qua việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng là nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của toàn dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức, đoàn thể đối với Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.


Thực tế, Hiến pháp là sự kết tinh trí tuệ của cả dân tộc trong lịch sử lập hiến, vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp chính là sự đóng góp trí tuệ của cả dân tộc.


Để việc đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hiệu quả, thiết thực, mỗi người Việt Nam chúng ta cần phải đóng góp những ý kiến tâm huyết của mình vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Để thông qua bản Hiến pháp của mình, cả dân tộc Việt Nam ta mãi mãi khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội; đưa đất nước ta phát triển bền vững; thật sự trở thành một nước xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.



Nguyễn Quang Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN