Nhìn từ phiến đá bó vỉa hè

Nếu vào Google tìm từ khóa “mới đưa vào sử dụng đã hư”, trong vòng 0,34 giây bạn có 29,5 triệu kết quả. Điều gì xảy ra vậy? - Dạ thưa, chất lượng công trình!

Một anh bạn là bộ đội biên phòng ở Trà Vinh, mỗi lần gặp nhau lại tiếc vì cơ quan lỡ đập tòa nhà Bộ chỉ huy bộ đội Biên Phòng tỉnh – một tòa nhà cũ nhưng rất đẹp được xây từ thời Pháp. Công trình này bị đập cách đây vài năm vì sự thúc giục của người Pháp khi được khuyến cáo là công trình đã hết thời hạn sử dụng cần phải tháo dỡ hoặc bảo dưỡng để đảm bảo an toàn.

 

Thế nhưng khi đưa các thiết bị cơ giới vào để đập bỏ, các đơn vị thi công đã phải rất vất vả mới phá được những bức tường kiên cố, dù tuổi đời đã hơn 100 năm. Những người trực tiếp thi công thừa nhận rằng, ngay cả những công trình mới xây hiện nay thì cũng chỉ cần “quơ gàu” của xe múc thì tường đã sập tan nát…

 

Những thủy đài ở TP HCM cũng vậy, những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử này được các “nhà chuyên môn” khuyến cáo cần phải đập bỏ vì đã xuống cấp, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào… thực tế khi “chạy” được chủ trương tháo dỡ, bất chấp những lời can gián của những người “hoài cổ”, đơn vị thi công phải dừng lại nhiều lần vì công trình quá kiên cố, khiến việc tháo dỡ gặp quá nhiều khó khăn…

 

Nhỏ hơn như những thanh đá bó vỉa hè, khi UBND Quận 1 quyết định chi 1000 tỷ đồng để lát đá granite trên vỉa hè khu trung tâm Thành phố, thay thế cho những thanh đá bó vỉa hè có từ thời Pháp thuộc. Người ta nhận ra rằng, những thanh đá có tuổi đời hơn 100 năm kia, tuy không được mài nhẵn bóng, láng lẩy nhưng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

 

Có chăng là trên nhiều tuyến đường, khi thi công vỉa hè mới, đơn vị thi công sẵn sàng đổ bê tông lên bên trên những tảng đá trăm năm tuổi đấy, để ít lâu sau, khi những tảng bê tông vỡ ra, người ta lại thấy những phiến đá vẫn nguyên vẹn mang hồn cốt xưa, thách thức thói làm ăn dối trá. Hoặc ở những con đường quanh năm ngập nước theo thời gian những thanh đá bị lún sâu vào đất nên vỉa hè không còn bằng phẳng theo thời gian… chứ tuyệt nhiên không nứt vỡ gì…

 

Cũng như những dự án hàng nghìn tỷ khác, khi gặp phải sự phản biện của người dân và các chuyên gia, những người có trách nhiệm luôn đưa ra được những lý lẽ hùng hồn. Dự án lát đá granite trên vỉa hè TP HCM, Hà Nội cũng vậy, các cơ quan chức năng đều khẳng định đá granite làm vỉa hè vừa đẹp vừa có độ bền 60 – 70 năm, phù hợp với khí hậu trong nước, giá thành phù hợp…

 

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian chưa đến 2 năm, nhiều phần vỉa hè ngay khu trung tâm TP HCM hiện nay đã bong tróc, nhiều phiến đá lót bóng loáng đã bị vỡ vụn. Trong những mảng vỡ bề bộn ấy, nhiều “khối” đá bó vỉa hè vỡ ra, lộ hẳn khối xi măng bên trong, cho thấy phần đá bó vỉa hè được “thuyết minh” là nguyên khối, thực chất chỉ là hai tấm đá mỏng ghép cẩn thận vào nhau, được mài nhẵn để che đi vết ghép, với phần lõi là xi măng chứ không phải đá nguyên khối.

 

Một phiến đá vỡ ra, lộ rõ thói làm ăn trí trá, gian xảo, rút ruột công trình. Một kiểu làm ăn không hiếm thấy kiểu bê tông cốt tre. Những lý giải hùng hồn của các quan chức khi triển khai công trình, sau vài năm, đến thời điểm công trình hư hỏng có thể làm người dân quên mất vì sự bộn bề của cuộc sống mưu sinh nên kiểu làm ăn này vẫn cứ tồn tại. Ngoại trừ một vài công trình ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến đời sống dân sinh bị xã hội lên tiếng, khiến một vài quan chức bị xử lý, đa phần còn lại đều được cho qua… Một vài tiếng kêu “nhỏ lẻ”, yếu ớt đâu đó thường không đủ sức tác động để các cơ quan chức năng vào cuộc, lật lại vấn đề.

 

Đường dẫn cầu vượt Mỹ Thủy bị lún sau 24 giờ thông xe, đường Trần Văn Giàu lún ngay khi đưa vào sử dụng, QL1 vừa thông xe đã lún… và còn rất nhiều con đường, công trình hạ tầng vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng được phản ánh trên mặt báo. Đa phần các quan chức có trách nhiệm đều lên tiếng phản hồi ngay sau đó với lý lẽ hùng hồn. Thường là đường lún do áp lực phải thi công trên nền đất yếu để đảm bảo tiến độ; đường lún là thi công tạm để thông xe rồi khắc phục sau thậm chí đường hỏng là do có ít xe lưu thông như GĐ Sở GTVT TP HCM từng lý giải. 

 

Người dân nghe mãi thành quen, nhất là khi những quan chức ấy vẫn cứ tại vị hết mùa mưa này đến mùa nắng khác… Người dân vẫn tiếp tục đóng thuế, ngân sách vẫn phải tiếp tục rót vào những công trình ấy để khắc phục, sửa chữa, điều chỉnh tổng mức đầu tư… Chỉ không biết đến khi nào ngành giao thông hết loay hoay với việc chuyển phí thành giá, chuyển trạm BOT trong hẻm ra mặt đường để lưu tâm vào chất lượng công trình?

 

Lê Hiền
Sửa chữa vết nứt lún, trồi nhựa mặt đường cầu Mỹ Thủy sau khi thông xe 2 ngày
Sửa chữa vết nứt lún, trồi nhựa mặt đường cầu Mỹ Thủy sau khi thông xe 2 ngày

Ngày 1/7, đơn vị thi công vẫn đang khẩn trương hoàn thiện, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng cho công trình cũng như điều tiết, phân luồng để đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi qua cầu Mỹ Thuỷ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN