Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các công trình xây dựng chung cư, công trình công cộng, trường học, bệnh viện... khiến người dân lo lắng và bức xúc.
Quy trách nhiệm cụ thể
Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Kỳ Sơn cho rằng, có bốn chủ thể liên quan trực tiếp đến quá trình thi công công trình gồm: chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu và tư vấn giám sát. Quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình, về trách nhiệm của các bên liên quan đều đầy đủ. Bởi vậy, khi xảy ra sự cố công trình hoặc phát hiện các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình thì cần phải xác định rõ nguyên nhân, mức độ thiệt hại để từ đó tiến hành xử lý hành chính hay phải chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự...
Hiện trường sự cố sụt lún nền sảnh tầng 1 tòa nhà N5, khu chung cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) giữa tháng 8/2016. |
Để tránh trường hợp chủ đầu tư nể nang, xử lý hình thức đối với nhà thầu vi phạm thì báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng cần phải đưa vấn đề ra công luận, tạo sức ép để chủ đầu tư phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trước khi mọi việc quá muộn, ông Sơn nhấn mạnh.
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu không phải lỗi từ khâu thiết kế mà để xảy ra sự cố trong quá trình thi công, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu. Sau nhà thầu là trách nhiệm của tư vấn giám sát. Nếu giám sát tốt thì đã không có chuyện nhà thầu làm sai thiết kế, thi công gian dối. Cho dù có lựa chọn được một nhà thầu tốt, nhưng nếu không kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì nhà thầu cũng khó mà tự giác thi công đảm bảo chất lượng, đó là chưa kể đến trường hợp nhà thầu thông đồng với tư vấn giám sát để thi công ẩu, “rút ruột công trình”.
Một trong những yếu tố khác quyết định đến chất lượng công trình đó là khâu tư vấn, khảo sát thiết kế. Nếu “yếu” ngay từ gốc thì sẽ hỏng cả cái cây - nhiều chuyên gia trong ngành ví von. Giải pháp đưa ra lúc này là tất cả các cấp, các ngành phải nêu cao trách nhiệm trong việc thực hiện Luật Xây dựng năm 2014, tuân thủ đúng các quy định của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý vốn. Có như vậy mới giải quyết tốt bài toán về nâng cao chất lượng công trình xây dựng, đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Theo các chuyên gia về xây dựng, để xảy ra các sự cố công trình, chất lượng công trình yếu kém thì các bên liên quan đều phải chịu trách nhiệm, vấn đề là phải xác định được chính xác nguyên nhân kỹ thuật của “lỗi” ở khâu nào vì hệ thống pháp luật hiện nay đã quy định rất đầy đủ trách nhiệm của các bên liên quan.
Mặt khác, trách nhiệm của các bên liên quan đối với chất lượng công trình xây dựng phải đi theo hết cả vòng đời dự án, chứ không chỉ là trong giai đoạn bảo hành dự án.
Xem xét về bỏ thầu giá thấp
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sỹ Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam chia sẻ, thời gian còn đảm nhận cương vị Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) ông từng bày tỏ quan điểm nếu ép giá, ép tiến độ thì không thể đồng hành cùng chất lượng. Với nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng phương pháp đấu thầu nhưng chất lượng các công trình xây dựng của họ vẫn rất tốt. Vậy cơ chế đấu thầu có phải là vấn đề cốt lõi. Trăn trở này được ông Trần Chủng phân tích, ở những quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, vấn đề thương hiệu của doanh nghiệp đặc biệt được coi trọng. Khi doanh nghiệp xây dựng một công trình nào đó mà nó xuống cấp nhanh, hỏng hóc, sự cố thì sẽ không còn ai thuê họ nữa. Bởi vậy, bản thân chính các doanh nghiệp đó tự ý thức rằng không bao giờ chấp nhận giá thấp để bán rẻ thương hiệu của mình cả.
Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, đấu thầu theo nguyên tắc “đấu giá thấp nhất thắng thầu” đã gây thiệt hại lớn và chủ yếu rơi vào chất lượng công trình. Một công trình đáng lẽ phải bền vững trong vòng 15 năm mới phải trùng tu, nhưng sau khi đưa vào hoạt động thì chỉ 5 năm đã phải thực hiện công tác này. Có những công trình khi xây dựng xác định là tuổi thọ đạt 100 năm nhưng chỉ 60 năm, thậm chí có khi là 30 năm, 20 năm đã hư hỏng, phải thay thế... Tất cả những yếu tố này sẽ làm tăng chi phí lên rất nhiều. Số kinh phí tiết giảm từ bỏ thầu giá thấp cũng không đủ bù cho các khoản này mà nghiêm trọng hơn là nó ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp và làm mất lòng tin của xã hội.