Lan tỏa chính sách nhân văn

Tin vui về các chính sách miễn giảm học phí cho bậc học sinh trung học phổ thông, mầm non đang được lan tỏa nhanh chóng trong xã hội, chẳng khác nào “một cơn lốc” xua tan dần những “đám mây u ám” về nỗi buồn gian lận thi cử, nỗi buồn chất lượng giáo dục hay nỗi buồn của giáo viên… trong suốt những ngày qua.

Đó chính là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7, thống nhất thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục - Đào tạo về chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở (THCS) trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI).

Đó chính là thông điệp của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang tính toán và cân đối ngân sách để có thể từ tháng 1/2019, học sinh bậc THCS tại thành phố sẽ được miễn học phí!
Tin vui lại càng dồn dập khi cũng trong tuần qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch về việc miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập…

Các chính sách nhân văn về giáo dục như đang được lan truyền khi nhiều tỉnh, thành và cả nước đều cùng chung một nhận thức và chí hướng xuyên suốt rằng: “Giáo dục là quốc sách” và “Ai cũng được học hành” như mong mỏi của Bác Hồ! Tất cả đều đang trong cùng một nỗ lực tạo ra các chính sách ưu việt nhất để khuyến khích học tập, đặc biệt là đối với các đối tượng học sinh nghèo, khó khăn, vùng sâu xa.

Đây cũng chính là các chính sách hết sức ý nghĩa, thiết thực, tiếp nối chính sách miễn học phí đối với giáo dục tiểu học của Nhà nước ta trước đây. Bởi chỉ cần sát dân, thương dân và vì dân thì ắt sẽ nhận thấy ngay rằng: Việc trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS chưa được miễn học phí đã gây nhiều khó khăn khi huy động trẻ đến trường, nhất là đối với vùng núi, vùng dân tộc thiểu số.

Bởi tuy mức thu học phí không quá cao, nhưng cũng đã đủ là gánh nặng đối với gia đình thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo! Bởi thế, vẫn có nhiều em nhỏ vùng dân tộc chẳng biết đến mái trường và xa lạ với việc được chăm lo dạy dỗ từ khi còn là “mầm”, trong sự nghiệp “trồng người”.

Chắc chắn rằng, với các chính sách trên, ngân sách Nhà nước và địa phương sẽ phải chi thêm một khoản kha khá trong bối cảnh đang phải hết sức tiết kiệm chi. Thế nhưng, cũng chắc chắn đây là khoản đầu tư xứng đáng, “sinh lời” không thể đong đếm trong tương lai và ”sinh lời” không thể đo bằng giá trị tầm thường, bởi đó là niềm tin yêu, phấn khởi của người dân!

Với quyết tâm cao, bằng cái tâm và tầm của người làm chính sách, quản lý, tin rằng những quyết sách sáng suốt, nhân văn, hợp lòng dân về giáo dục của các cấp, ngành sẽ sớm được áp dụng trong thực tế. Đáp ứng không chỉ mong mỏi thiết tha của nhân dân, mà còn đặt những viên gạch nền tảng vững chắc để xây dựng một dân tộc học tập, tương lai trở thành một dân tộc giỏi. Bởi chỉ khi một dân tộc đạt được độ giỏi thì mới có thể mạnh, mới có thể nắm bắt được vận mệnh, sứ mệnh lịch sử của mình, để vươn lên phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, đồng thời với những chính sách nhân văn để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi trẻ em được học hành đó, cũng rất cần có những chính sách quản lý giáo dục sao cho chấm dứt hoặc hạn chế được tối đa tình trạng lạm thu, bởi tại nhiều nơi các khoản phụ thu ngoài học phí đang cao gấp nhiều lần học phí! Đây mới chính là nỗi lo lắng lớn nhất của đông đảo phụ huynh, học sinh trên cả nước.

Do vậy, nhất định phải kiên quyết, bền bỉ tạo ra được một môi trường sạch sẽ, văn minh nhất trong giáo dục, để việc được học hành, dạy dỗ trở thành quyền lợi đương nhiên, bình đẳng của mọi công dân Việt Nam. Để việc đến trường chỉ còn là niềm vui phấn đấu chứ không còn là nỗi lo cơm áo gạo tiền, chất lượng giáo dục hay gian lận thi cử…

Ninh Hồng Nga
TP Hồ Chí Minh có nhiều chính sách ưu đãi giáo viên mầm non
TP Hồ Chí Minh có nhiều chính sách ưu đãi giáo viên mầm non

Chiều 15/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cùng Đoàn lãnh đạo các Sở, ngành Thành phố đã có buổi làm việc với Trường Đại học Sài Gòn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN