Trước những thông tin mang tính suy đoán đang lan tràn, chiều ngày 13/8/2018, UBND tỉnh Phú Thọ đã chính thức trả lời báo chí. Tại đây, ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: "Từ trước đến nay, đã có 5 người ở xã Kim Thượng chết vì bệnh AIDS. Và theo thống kê, hiện nay có 42 trường hợp nhiễm HIV chính thức được phát hiện mới tại xã Kim Thượng (trong số 490 người lấy máu xét nghiệm). Cục Phòng chống HIV/AIDS đã đánh giá đây là một tỷ lệ khá cao khi khám trên địa bàn xã, nhưng không phải duy nhất. Hiện có 61 xã trên cả nước có tỷ lệ cao như thế này".
Điều quan trọng là cho đến thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân nào là chủ yếu dẫn tới việc nhiều người nhiễm HIV ở xã Kim Thượng. Mà có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lây truyền như: qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung bơm kim tiêm...
Trong khi đó, bà H.T (59 tuổi) là một trong những người dân mới phát hiện bị nhiễm HIV tại xóm Chiềng 3, xã Kim Thượng, cho biết cả gia đình bà đã được xét nghiệm máu nhưng chỉ một mình bà bị nhiễm HIV. Bản thân bà cũng như nhiều người dân ở xã miền núi khó khăn có đến 97% là đồng bào dân tộc thiểu số này (85% là dân tộc Mường) “chả mấy khi ra khỏi nhà” thì không biết được vì sao lại nhiễm bệnh.
Chính vì vậy, mọi nghi ngờ đổ dồn vào một cán bộ y tế làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Sơn có hoạt động khám chữa bệnh trên địa bàn đã dùng chung kim tiêm cho nhiều người. Nhưng thực chất theo đại diện chính quyền xã Kim Thượng xác nhận thì người cán bộ y tế này hành nghề tại địa phương không phải dưới dạng mở phòng khám mà do người dân tin tưởng và thường tới khám, chữa bệnh tại nhà riêng trên cơ sở quan hệ tình cảm hàng xóm láng giềng.
Việc sử dụng kim tiêm an toàn là một nguyên tắc tối thiểu không chỉ với y, bác sỹ mà người bình thường cũng nắm được, nó không chỉ để phòng tránh nhiễm HIV mà còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Việc dùng chung kim tiêm là điều thật khó tin, nhưng nếu đó là sự thật thì không khác gì một quả bom nổ chậm bắt đầu được kích hoạt. Do đó, cần có những bằng chứng rõ ràng mới có thể kết luận chính xác. Nhưng trong khi nguyên nhân chưa thể khẳng định thì cuộc sống của người cán bộ y tế “dính” nghi vấn đã bị đảo lộn.
Cho đến nay, những giải pháp mà đại diện Bộ Y tế và chính quyền địa phương đưa ra là hợp lý. Đó là bên cạnh việc truy tìm nguyên nhân, các ngành chức năng tập trung tư vấn và giúp đỡ một cách tốt nhất về mặt tâm lý cho những người không may bị nhiễm HIV. Tuyên truyền tới người dân về việc nhiễm HIV hiện nay đã có thuốc chữa, tuân thủ thuốc uống thuốc ARV sẽ có thể sống trọn đời khỏe mạnh nếu cơ thể thích ứng với việc điều trị.
Nhưng từ sự việc người dân bị nhiễm HIV ở xã Kim Thượng cũng cho thấy hệ thống giám sát, đánh giá, phòng ngừa dịch bệnh ở địa phương đã chưa làm tròn trách nhiệm. Rõ ràng cơ quan chức năng đã không nắm vững thông tin, tư vấn, tuyên truyền, kiểm soát những hành vi liên quan của những người bị nhiễm HIV đầu tiên và đã tử vong vì bệnh AIDS trên địa bàn. Để đến khi bùng phát hàng chục người nhiễm HIV mới xảy ra tình trạng “một mất mười ngờ”.
Và đây cũng là lời cảnh tỉnh cho hệ thống y tế dự phòng cả nước về tầm quan trọng của việc thường xuyên giám sát, tuyên truyền những giải pháp phòng ngừa dịch bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh cũng như trong cộng đồng.