'Kẽ hở' của những 'kim bài miễn xử'

“Mày bị điên à”- chỉ một câu mắng mỏ có thể dẫn tới đôi co, ẩu đả, thậm chí gây thiệt mạng cho người trong cuộc. Nhưng có những kẻ sẵn sàng “được điên” dưới bàn tay phù phép, hòng trốn tránh trách nhiệm pháp lý.

Lê Thanh Tùng (SN 1986; trú tại Cầu Đền, Hai Bà Trưng) là đối tượng cầm đầu một băng nhóm gây ra vụ án cố ý gây thương tích có tính chất côn đồ. Sau khi gây án, Tùng xuất trình bộ hồ sơ bệnh án tâm thần, do một bệnh viên tâm thần ở Hà Nội cung cấp.  

Bộ hồ sơ bệnh án của đối tượng Tùng đã được xác định là giả mạo. Với số tiền 85 triệu đồng, Tùng đã có hồ sơ bệnh án này, như một “kim bài miễn xử” với những hành vi vi phạm pháp luật, tới mức nghiêm trọng, của mình.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ

Điều đáng suy nghĩ là không chỉ riêng trường hợp của Tùng, mà Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) còn phát hiện cả một đường dây "chạy" bệnh án tâm thần cho hàng chục đối tượng hình sự nhằm trốn tránh sự phát hiện, điều tra, xử lý của công an. Có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả, trong số này có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ, và con số này chỉ là kết quả rà soát từ đầu năm 2017 tới nay.

Không chỉ những hồ sơ của các đối tượng giang hồ mà thực tế có không ít đối tượng của các vụ án kinh tế và những vụ án hình sự, khi bị cơ quan điều tra “sờ gáy”, đều trưng ra được những hồ sơ bệnh lý, trong đó có bệnh tâm thần, nhằm trốn tránh việc chịu trách nhiệm với những hành vi sai phạm của mình. Nhiều bị can, bị cáo sau khi phạm tội thường bị xác định bị tâm thần, trong đó, nhiều trường hợp đã thoát tội một cách khá “ngoạn mục”. Tất nhiên, nhiều trường hợp sau khi vụ án kết thúc, được miễn truy tố thì căn bệnh lại … tự khỏi.

Điều 13 Bộ luật Hình sự có nêu nội dung: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”, tức là người không có năng lực trách nhiệm hình sự thì có thể  “không phải chịu trách nhiệm hình sự”.  Đây là một quy định mang tính nhân văn và thể hiện sự công bằng của pháp luật, dành cho những người mắc bệnh. Trên thực tế cũng có khả năng đối tượng vi phạm khi bị điều tra, có thể rơi vào tình trạng tâm thần không ổn định. Tuy nhiên, khi tình trạng “cứ có tội là bị tâm thần” trở nên quá phổ biến, thì với những trường hợp này, rất cần sự xem xét thật chính xác, công tâm để quy định nhân văn không bị lợi dụng.

Các nhà chuyên môn đã khẳng định: việc xác định trường hợp bệnh lý tâm thần là một quy trình khoa học, thậm chí có thể phải qua một hội đồng thẩm định khắt khe. Việc xác định hồ sơ thật hay giả, cũng nằm trong khả năng của các cán bộ điều tra. Chính vì vậy, rất khó có thể thanh minh rằng hàng loạt hồ sơ bệnh án tâm thần đã bị cơ quan công an xác định “giả”, là các sơ suất nghề nghiệp của cán bộ y tế. Và nếu từ các hồ sơ này mà dẫn tới sót người lọt tội, thì cũng có thể đặt dấu hỏi về nghiệp vụ điều tra. Có hay không sự tiếp tay để tội phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, câu trả lời đã khá rõ ràng, khi mới đây, hai cán bộ y tế (tạm xác định là đầu tiên) của đường dây “làm giả bệnh án tâm thần” đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt giữ, tạm giam phục vụ điều tra.

Chú thích ảnh
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế chủ trì cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về vụ việc liên quan tới đơn vị Bộ quản lý, sau khi có thông tin Công an TP Hà Nội phát hiện hàng chục hồ sơ bệnh án tâm thần giả.  Ảnh: SKĐS

Từ nay tới lúc vụ án này được đưa ra ánh sáng hoàn toàn, chắc còn cần nhiều thời gian. Nhưng với những âm ỉ lâu nay về sự bất bình của người dân, với không ít những trường hợp tội phạm đã và đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật với “kim bài” bệnh án tâm thần, thì thật sự rất cần các biện pháp hiệu quả, nhằm hạn chế tình trạng tội phạm lợi dụng “kẽ hở” nhân đạo của chính sách và quy định pháp luật nhằm trốn tránh trách nhiệm về những hành vi phạm tội của mình. Một quy trình giám định tâm thần chặt chẽ, nghiêm minh, chính xác cần được thực hiện nghiêm túc hơn nữa, tránh sót người lọt tội. Điều này là hết sức cần thiết, bởi khi để những đối tượng “giả tâm thần” lọt lưới pháp luật, đồng nghĩa với việc thả ra xã hội những tội phạm nguy hiểm, thậm chí các đối tượng này còn có thể gia tăng các hành vi phạm tội ở mức độ nghiêm trọng hơn. Tình trạng này dẫn đến tâm lý coi thường pháp luật, là cơ sở của những hành vi chạy án, cố tình tạo oan sai, ngang nhiên vi phạm pháp luật, tham nhũng, làm mất niềm tin trong người dân. 

Bên cạnh đó, cần có những bản án nghiêm minh, có hiệu lực răn đe dành cho những tập thể, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật, có hành vi bao che, làm giả hồ sơ sức khoẻ của các bị can, bị cáo, hòng chạy tội. Đây là những vi phạm nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp, trong cả nghiệp vụ y tế và điều tra, tạo điều kiện để các đối tượng phạm tội được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, công khai coi thường kỷ cương, tha hồ lộng hành; đồng thời gây khó khăn cho công tác điều tra, xét xử về sau. Cùng với đó, cộng đồng cần tăng cường giám sát và tố giác những trường hợp “sót người lọt tội” nhờ những giả mạo hồ trơ tương tự các trường hợp hồ sơ giả tâm thần này.

Quy trình tố tụng, thủ tục giám định, sự giám sát của cộng đồng sẽ góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội và đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, dù các quy trình, thủ tục có chặt chẽ tới đâu, mà  những người thực hiện không có đaọ đức nghề nghiệp, không có lương tâm và sẵn sàng vi phạm vì những lợi ích cá nhân, thì những “kẽ hở” sẽ vẫn xuất hiện, được tạo ra bởi chính những người thực thi công vụ không làm hết trách nhiệm hoặc cố tình lợi dụng công việc để trục lợi, tiếp tay. Do đó, mỗi cán bộ y tế, cán bộ điều tra cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện nhiệm vụ một cách công minh trong giám định các hồ sơ bệnh lý . Có như vậy mới bịt được hết các kẽ hở, để các quy định pháp luật, các chính sách nhân văn được dành cho đúng người, và pháp luật không thành “trò đùa” cho những kẻ luôn luôn sẵn sàng dẫm đạp lên pháp luật. 

Thuỳ Hương/Báo Tin tức
Bộ Y tế họp khẩn vụ làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần
Bộ Y tế họp khẩn vụ làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần

Cuối ngày 10/8, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn liên quan tới thông tin làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN