Không có “vùng cấm” cho xe quá tải

Tình trạng dung túng vi phạm của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, đăng kiểm cho xe quá tải, móc nối làm luật, dẫn xe quá tải tránh trạm cân… lại được xới lên tại hội nghị về kiểm soát tải trọng xe được Bộ GTVT tổ chức cuối tháng 10 vừa qua.

Tại đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đặt một loạt câu hỏi: Vì sao vẫn có những đoàn xe đi qua bao nhiêu tỉnh, thành phố mà không bị xử lý, nhiều xe còn dán logo để qua trạm kiểm soát... Xe tải không phải cái kim mà sao lại không biết. Trách nhiệm của địa phương ở đâu?..

Quả vậy, còn rất nhiều câu hỏi đặt ra và cần được trả lời. Đơn cử, nhiều đoàn xe quá tải chạy từ Hải Phòng đến cao tốc Nội Bài - Lào Cai mà không bị xử lý. Một số địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu cả năm không xử lý được xe chở quá tải nào… Những bất cập vừa nêu, vấn đề trách nhiệm thuộc về đơn vị, cá nhân địa phương nào không được quy tới cùng và công tác “hậu kiểm” bị buông lỏng.

Không thể phủ nhận, xe vi phạm chở quá tải thời gian qua đã giảm mạnh, nhưng vẫn có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc siết chặt tải trọng xe vẫn còn không ít thách thức khi một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, lái xe ý thức chấp hành chưa nghiêm. Tình trạng xe quá tải lén lút hoạt động vào ban đêm, đi vào các tuyến đường liên xã, liên huyện… để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng vẫn diễn ra. Đặc biệt, tại nhiều địa phương vẫn còn hiện tượng cơi nới thùng xe, chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Xe quá tải ai nhìn thấy cũng biết, người dân bức xúc, báo chí phản ánh, nhưng chỉ lực lượng làm nhiệm vụ ở các trạm cân là không biết gì. Chỉ cần dán một phù hiệu lên xe là chạy vô tư mà không bị ai kiểm soát? Phù hiệu không phải của Bộ GTVT, cũng không phải của Bộ Công an cấp, mà có hẳn đường dây bán logo cho xe quá tải (dư luận gọi là “xe vua”). Chưa hết, việc đặt các trạm cân cũng vấp phải sự chống đối của một số đối tượng. Cùng đó là tình trạng tiêu cực, bảo kê cho xe quá tải, bởi nếu không có tiêu cực thì không thể qua được trạm cân. Các ngành chức năng, địa phương biết điều này, nhưng chưa thể hiện rõ quyết tâm để ngăn chặn.

Phải thấy rằng, tiêu cực trong việc kiểm soát tải trọng xe thời gian qua là quá rõ ràng khi lực lượng chức năng không dừng xe để kiểm tra, hoặc cố tình làm ngơ. Không những thế, tại một số địa phương việc xử lý xe quá tải còn “lừng khừng”, chưa nghiêm. Theo quy định của Bộ GTVT, thời gian các trạm cân phải hoạt động là 24/24 giò, nhưng thời gian hoạt động của trạm cân ở một số tỉnh rất thấp. Thế mới có chuyện, cả vài trăm xe quá tải rồng rắn đỗ ban ngày, nhưng ban đêm “bốc hơi” hết.

Không thể “đánh trống bỏ dùi”, cần có các giải pháp mạnh để ngăn chặn tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe, kiên quyết loại trừ “vùng cấm” trong xử lý xe quá tải, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề con người, cụ thể là cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông. Trước hết, cần phải làm rõ một bộ phận cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông có hành vi tiếp tay và móc nối tạo ra tiêu cực và đây chính là kẽ hở cần phải khẩn trương bịt lại.

Người dân hoàn toàn tin tưởng vào sự quyết tâm của Chính phủ cũng như của ngành GTVT trong việc loại trừ những biểu hiện tiêu cực trong xử lý xe quá tải.
Yến Nhi
Phối hợp xử lý nghiêm xe quá tải từ Hải Phòng đi Lào Cai
Phối hợp xử lý nghiêm xe quá tải từ Hải Phòng đi Lào Cai

TP Hải Phòng tăng cường kiểm soát tại các cảng và 2 Trạm KTTTX lưu động đặt trên QL5 cũ và mới để kiểm soát, xử lý nghiêm xe chở hàng đông lạnh. Tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh Trạm KTTTX TC 037 tại Km58+00/QL18 và kiểm soát chặt tuyến đường từ Quảng Ninh đi Hải Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN