Người dân Thủ đô từng nhiều năm nay đã quá quen cảnh cứ mưa là ngập. Thật đáng buồn, thành phố đã đổ hàng nghìn tỷ đồng để chống ngập, vậy mà cứ mưa xuống là các khu vực nội thị phố trở thành sông, kéo theo biết bao hệ lụy.
Khi khí tượng dự báo có mưa lớn, Hà Nội lại cuống cuồng lo thoát nước. Cứ mỗi điểm cống thoát nước là vài ba nhân viên của Công ty Thoát nước thành phố túc trực vớt rác.
Chưa phải là trận mưa lớn do ảnh hưởng của bão Thần Sấm, chỉ với cơn mưa ở mức vừa phải nhưng kéo dài ngày 17/7 vừa qua đã khiến giao thông tại nhiều điểm ở khu vực nội thành bị kẹt cứng vì ngập. Phải chăng năng lực hệ thống thoát nước của thành phố đang có vấn đề?
Không thể phủ nhận, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực tìm giải pháp để chống ngập. Năm 2014, nhờ hoàn thành một số hạng mục cống thoát nước, Hà Nội giảm được 10 điểm úng ngập cục bộ mỗi khi có mưa lớn. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, rất nhiều hồ tự nhiên của thành phố bị lấp. Bên cạnh đó, các khu đô thị nối đuôi nhau mọc lên trong khi hệ thống thoát nước không được đầu tư tương ứng.
Chưa kể, tại rất nhiều điểm, hệ thống thoát nước thiết kế không hợp lý, nhiều công trình xây dựng đè lên hệ thống thoát nước, nên khi gặp mưa lớn, nước không biết thoát đi đâu. Ai cũng hiểu, nước muốn thoát nhanh thì hệ thống thoát nước phải lớn. Trước đây, hệ thống thoát nước của Hà Nội được xây theo kiểu ống hộp, người có thể đi thẳng lưng mà không lo đụng đầu. Còn bây giờ, cống thoát nước chủ yếu sử dụng ống tròn, đường kính lại nhỏ, sau một thời gian sử dụng cát bồi lắng làm hẹp lòng cống, nên việc ứ nước khi mưa xuống cũng là dễ hiểu.
Vẫn biết hệ thống thoát nước của thành phố còn rất nhiều hạn chế, nhưng lỗi cơ bản vẫn là ở con người, chưa có tầm nhìn xa trông rộng. Đơn cử việc thống kê các “điểm đen” gây ngập, ở mỗi địa bàn, mỗi đơn vị có sự thống kê khác nhau, thậm chí vênh nhau, dẫn đến các giải pháp khắc phục đều không đúng chỗ, gây lãng phí lớn. Cụ thể, trong trận mưa lớn gần đây, Công ty Thoát nước thành phố thống kê có 12 điểm ngập, trong khi đó ngành Giao thông vận tải lại thống kê tới 32 điểm, thế nên thành phố càng thêm lúng túng khi chọn giải pháp xử lý.
Vấn đề đặt ra đối với công cuộc chống ngập của Hà Nội không thể chỉ quẩn quanh với những phương án cải tạo, nâng cấp kênh mương, cống thoát, trạm bơm…; mà giải pháp căn cơ là phải đặt quy hoạch thoát nước cùng với quy hoạch sử dụng đất đai, xây dựng, quy hoạch giao thông... Trước hết, thành phố cần đẩy mạnh việc nạo vét, lưu thông dòng chảy ở các con sông lớn (sông Tô Lịch, sông Nhuệ), các hồ điều hòa; bên cạnh đó cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thoát nước giai đoạn 2.
Theo cơ quan chức năng của thành phố, dự án thoát nước giai đoạn 2 dù sắp tới hạn phải hoàn thành (cuối năm nay), nhưng đến thời điểm này, dự án có mức vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng này vẫn chưa hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo thành phố từng nhiều lần phê bình các cơ quan chức năng của thành phố chưa sâu sát trong chỉ đạo, điều hành; thậm chí còn khoán trắng công tác thoát nước cho một số đơn vị, địa phương.
Hà Nội đang ngày càng mở rộng, phát triển theo hướng kết nối với nhiều đô thị vệ tinh. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, nếu Hà Nội không có sự thay đổi trong quy hoạch mở rộng, không giữ không gian cách ly giữa các đô thị, thì việc chống ngập của thành phố sẽ khó mang lại hiệu quả như mong đợi.
Yến Nhi