Củng cố niềm tin từ những quyết sách kịp thời

Ngay trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong chuyến công tác lên Lào Cai, chúng tôi có dịp ngồi với một chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc.

Tại trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai lúc đó, xe chúng tôi là nhóm khách duy nhất, trái ngược với cảnh tấp nập người ra vào khi không có dịch COVID-19. Có lẽ cũng vì thế mà ông chủ trẻ tuổi sinh năm 1984 tên Đ. cũng rảnh rang ngồi tán chuyện với cánh nhà báo. Anh Đ. cho biết nhận thầu trạm dừng nghỉ từ chủ đầu tư để kinh doanh với tiền thuê hơn 4 tỷ đồng/năm, tính ra mỗi ngày “ngồi không” là mất 12 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại xí nghiệp may sơ mi, veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Từ khi có dịch, khách đi lại giảm hẳn, phần lớn các gian hàng phải đóng cửa nên anh cũng cho nhân viên nghỉ gần hết. “Giờ thì vợ em kiêm kế toán, thủ quỹ, bán hàng… luôn”, anh Đ. giới thiệu giọng hài hước. Nhưng dù sao, với 3 đợt dịch COVID-19 năm 2020, anh Đ. cũng đã được chủ đầu tư giảm 2 tháng không phải trả tiền thuê. Còn đợt dịch thứ 4 này thì anh đang chờ không biết thế nào. 

Có một điểm mà chúng tôi nhận thấy là dù khó khăn nhưng anh Đ. luôn có một niềm tin dịch COVID-19 sẽ được đẩy lùi và hoạt động kinh doanh sẽ trở lại. Trước khi chia tay, anh còn cho biết hết đợt dịch này, anh sẽ lại khai trương một nhà hàng mới ở km151.

Thấu hiểu những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra với những người như anh Đ. và hàng triệu lao động, doanh nghiệp trên cả nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 với mục tiêu là hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Khác với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng ở năm 2020, đối tượng được hỗ trợ lần này đã mở rộng hơn. Trong số 12 chính sách hỗ trợ, có các chính sách như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. 

Đáng chú ý là lần đầu tiên có cả các đối tượng là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; thậm chí cả với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, các địa phương sẽ căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ.

Có thể thấy Nghị quyết 68 đã khắc phục được những bất cập, hoàn thiện hơn chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp. Nhưng bên cạnh nguyên tắc bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; Nghị quyết cũng khẳng định phải bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. 

Nguồn lực của Nhà nước thì có hạn, các chính sách cũng chỉ mang tính chất hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động. Nhưng giống như ‘một cơn mưa vàng giữa những ngày nắng hạn”, những quyết sách kịp thời của Chính phủ sẽ góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào những giải pháp mà cả hệ thống chính trị đang triển khai để thực hiện thành công mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. 

Chú thích ảnh

Nghị quyết 68 cũng là một dẫn chứng của việc hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo an sinh xã hội. Mỗi một khoản tiền hỗ trợ tuy không bù đắp hết thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra nhưng những đối tượng yếu thế vốn cũng là đối tượng bị tác động nhiều nhất sẽ hiểu rằng họ không bị bỏ lại phía sau.

Như trong bài viết mới đây về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”.

Chính bởi vậy, những quyết sách kịp thời sẽ củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Và từ niềm tin đó lại tạo nên sức mạnh to lớn để chúng ta chiến thắng đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Trần Ngọc Tú
Nhiều kiến nghị liên quan chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp
Nhiều kiến nghị liên quan chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp

Giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 5%, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, lùi thời gian nộp thuế… là các đề xuất liên quan đến chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được các doanh nghiệp gửi gắm, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực dòng tiền trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN