Kiến nghị điều chỉnh giảm thuế VAT còn 5%
Trước tác động tiêu cực của làn sóng COVID-19 lần thứ 4, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh rơi vào trạng thái tê liệt hoàn toàn. Các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì bộ máy hoạt động.
Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), trong thời gian giãn cách ở TP Hồ Chí Minh như hiện nay, công suất phòng ở các khách sạn chỉ còn 2-3%. Các hoạt động khác trong khách sạn như ẩm thực, hội nghị… cũng ngưng hoạt động, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa.
Trong khi đó, tiền thuê đất cũng như các loại thuế, phí khác vẫn phải đóng đầy đủ. Đặc biệt, chi phí tiền thuê đất hiện đang là gánh nặng rất lớn. Dự kiến trong năm 2021, tiền thuê đất thuộc sở hữu nhà nước của Saigontourist Group dao động từ 350-400 tỷ đồng.
Với tình hình khó khăn hiện nay, đại diện Saigontourist Group kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương trong năm 2021 không truy thu tiền thuê đất các năm trước đó (nếu có); đồng thời giảm 50% tiền thuê đất trong 2 năm 2021-2022 các mặt bằng do Tổng công ty trực tiếp quản lý hoặc có phần vốn góp.
Mặt khác, trong bối cảnh dòng tiền của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, Saigontourist Group kiến nghị được lùi thời gian nộp các loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng từ quý I-II/2021 sang quý IV/2021.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel), chính sách thuế cần có sự khác biệt giữa trước và sau dịch. Do vậy, ông đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch tạm thời còn 5%, thay vì 10% như hiện nay. Phần 5% thu nhập này Chính phủ có thể xem xét cho doanh nghiệp (đang hoạt động) vay ngược lại với lãi suất ưu đãi 0% trong vòng 6-12 tháng để doanh nghiệp đầu tư tái kinh doanh.
“Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp phải nỗ lực kinh doanh, phấn đấu làm việc để có nguồn thu, vì thuế VAT là thuế của người tiêu dùng đóng, doanh nghiệp chỉ thu hộ Chính phủ. Số tiền đó Chính phủ hạ xuống và cho vay ngược lại để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Đó là cơ chế và doanh nghiệp xin là cơ chế chứ không phải xin tiền. Do vậy, đối với thuế VAT chúng tôi kiến nghị phải xem xét lại", ông Kỳ nói.
Để thu hút khách du lịch sau khi hết dịch, các doanh nghiệp du lịch trên địa Tp.Hồ Chí Minh cũng đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giảm 50% thuế VAT trong vòng 12 tháng kể từ ngày hết dịch; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho toàn thể nhân viên trong ngành du lịch trong năm 2021-2022 và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong ngành du lịch trong năm 2021.
Triển khai các giải pháp hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp
Không chỉ riêng các doanh nghiệp du lịch, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất khác cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất và kéo dài chính sách này trong năm 2021.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố cũng đã tập hợp ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội và sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Theo đó, bà Mai đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% trong năm 2021, để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch nhằm kích cầu du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn. Đồng thời, xem xét kéo dài giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngay trong tháng 6/2021, TP Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình ổn định, duy trì sản xuất kinh doanh; trong đó, có các chính sách hỗ trợ về chi phí điện, nước, bảo hiểm, thuế, lãi suất…
Đối với các chính sách thuế, đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, so với năm 2020, chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 đã được kéo dài thời gian lên 6 tháng và mở rộng đối tượng được hưởng lợi.
Riêng vấn đề giảm tiền thuê đất, trong năm 2020 Chính phủ thực hiện giảm 15% tiền thuê đất cho các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên và đối tượng áp dụng là những doanh nghiệp ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước. Trong năm 2021, Cục Thuế thành phố cũng đã đề xuất và Bộ Tài chính vẫn tiếp tục trình chính sách giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ cũng có nghị định về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu trong năm 2020 dưới 200 tỷ đồng. Hiện các doanh nghiệp đang thực hiện kê khai để được giảm thuế thu nhập này. Trong bối cảnh dịch tác động tiêu cực lên nhiều doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh cũng có đề xuất xem xét giảm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng… cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Hiện TP Hồ Chí Minh đã rà soát và lập danh sách doanh nghiệp, tổ chức được hưởng ưu đãi theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, với hơn 255.000 đơn vị và hơn 43.000 cá nhân.
Đến nay, số thuế gia hạn của các doanh nghiệp, tổ chức đã nộp giấy gia hạn là hơn 8.000 tỷ đồng; số thuế gia hạn của các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đã nộp giấy gia hạn là 200 tỷ đồng. Cơ quan thuế cũng đã giải quyết 1.500 hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền hoàn hơn 9.000 tỷ đồng.
Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với các quận huyện rà soát các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, phải tạm dừng kinh doanh do dịch COVID-19 để thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định…