Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) năm 2014 được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 3/9 cho thấy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 2 bậc so với năm ngoái, từ hạng 87 năm ngoái tăng lên 75 trong năm nay.
Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 68 trong số 144 quốc gia được khảo sát về 12 tiêu chí, bao gồm thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục, quy mô thị trường, môi trường kinh tế vĩ mô, mức độ phát triển của thị trường tài chính, hiệu quả thị trường lao động… Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, thứ hạng cạnh tranh nêu trên chỉ được nhìn nhận là đã có sự cải thiện, chưa phải là bước cải cách mang tính đột phá và đối chiếu với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam vẫn chỉ đứng ở nửa sau (Việt Nam đứng thứ 6, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines).
Để có đánh giá trên, WEF dựa trên một số tiêu chí liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp như: Thành lập, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, thương mại quốc tế, thực thi hợp đồng và xử lý doanh nghiệp mất khả năng. Trong những tiêu chí trên, Việt Nam tụt hạng ở 7 hạng mục, chỉ tăng thứ hạng ở 2 hạng mục là bảo vệ nhà đầu tư và thương mại quốc tế. Riêng lĩnh vực nộp thuế tụt 11 bậc, từ xếp hạng 138/183 quốc gia xuống vị trí 149/189 quốc gia. Nhiều lĩnh vực được cho là sống còn với doanh nghiệp thì Việt Nam cũng ở gần nhóm cuối trên bảng xếp hạng như tiêu chí: Bảo vệ nhà đầu tư (hạng 157/189 nước); tiếp cận điện năng (hạng 156/189), xử lý doanh nghiệp phá sản (hạng 149/189)…
Rõ ràng, những thống kê trên cho thấy không ít sự bất ổn. Nói vậy bởi lẽ, theo WEF, trong lĩnh vực thuế, hiện doanh nghiệp phải mất tới một phần ba thời gian làm việc trong năm để đi đóng thuế - 872 giờ đồng hồ, gấp 10 lần so với Singapore. Hay như chuyện những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, muốn "khai tử" cũng mất rất nhiều thủ tục khiến chủ doanh nghiệp chẳng thèm ngó ngàng. Cụ thể, sau khoảng 10 năm thi hành Luật Phá sản 2004, tòa án các cấp chỉ phải thụ lý 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, ra quyết định mở thủ tục phá sản 236 trường hợp, nhưng chỉ tuyên phá sản 83 trường hợp.
Lý do chung được đưa ra là trình tự thủ tục phá sản quá phức tạp, cùng với đó là có những quy định không phù hợp với thực tiễn. Dẫn chứng nêu trên cho thấy nền hành chính nước ta vẫn chưa thực sự chuyển từ nền hành chính bao cấp sang nền hành chính phục vụ. Tức là nền hành chính chưa thích ứng với mọi biến đổi của xã hội, chậm đổi mới và cải cách để phù hợp với xu hướng chung của thời đại. Hệ quả là nền kinh tế nước ta đến thời điểm này vẫn yếu về tính cạnh tranh, hiếm thấy sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Trong cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ về chính sách thuế (do Bộ Tài chính tổ chức vào tháng 6 vừa qua) mới đây, rất nhiều doanh nghiệp "xếp hàng" phàn nàn về thủ tục, quy định pháp luật về thuế, hải quan. Đặc biệt tại đây, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát tại 1.500 doanh nghiệp cho thấy, có 37% doanh nghiệp cho rằng các quy định pháp luật về hải quan là "tương đối khó thực hiện". Về công tác tiếp nhận, kiểm tra và đăng ký tờ khai, 69% doanh nghiệp cho biết quy trình này mất hơn 30 phút để nhận được phản hồi về số tờ khai và hướng dẫn làm tiếp thủ tục hải quan...
Những con số thống kê này để thấy rằng hành trình cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta tiếp tục là chặng đường dài. Rõ ràng, đã đến lúc những nhà làm chính sách, quản lý, cần thay những lời hứa bằng những việc làm, hành động cụ thể.
Yến Nhi