Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dệt may và da giày

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành dệt may và da giày đều đạt mức tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, triển vọng kinh doanh của ngành dệt may và da giày phụ thuộc nhiều vào việc phát triển các sản phẩm chủ lực và tránh tình trạng lệ thuộc nguồn nguyên vật liệt nhập khẩu.


Chủ động nguyên vật liệu


Kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may 6 tháng đầu năm đạt 10,21 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ 6 tháng năm 2013. Tương tự, XK ngành da giày cùng thời điểm cũng đạt mức tăng trưởng 14%. Tuy nhiên, ngành dệt may và da giày vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc.

 

Phân loại sản phẩm giày tại Công ty Da giày Hải Phòng.  Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Kết quả khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2014 và dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thể hiện sự lạc quan hơn rất nhiều so với thời điểm cuối năm 2013. Các chỉ số điểm của doanh nghiệp đều cải thiện so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, chỉ số lợi nhuận trên sản phẩm cho thấy các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang trong giai đoạn phục hồi và chưa có lãi nhiều.


Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết: Năm 2013, toàn ngành xuất khẩu được 10,4 tỷ USD, trong đó, cơ cấu nguyên vật liệu ngành da giày nhập khẩu từ bên ngoài vào chỉ có 4,2 tỷ USD, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu hay nói cách khác giá trị tạo ra trong nước đạt 60%. Tỷ lệ này so với các ngành khác thì cao hơn, điển hình dệt may có tỷ lệ nội địa hóa và chủ động trong nước khoảng 40%.


Một hướng đi quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh đó là, ngành dệt may và da giày phải xây dựng được nguồn nguyên vật liệu của chính mình tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cần đầu tư một cách có chiều sâu về máy móc, khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cung ứng nguyên vật liệu. Bộ Công Thương cho biết, việc Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định TPP cũng được xem là cơ hội lớn để các doanh nghiệp có động lực phát triển nguồn nguyên vật liệu trong nước. Theo Hiệp định TPP, để được hưởng các ưu đãi về thuế quan, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm phải đạt từ 55% tổng giá trị trở lên.


Theo các chuyên gia kinh tế, các công ty ngành may mặc, da giày Việt Nam chưa phát triển được năng lực thiết kế cũng như năng lực kỹ thuật nên không đảm nhiệm được vai trò người phát triển sản phẩm hoặc thương hiệu. Bên cạnh đó, trở ngại chính đối với năng lực cạnh tranh còn là tay nghề công nhân, chi phí đầu vào, sử dụng không hiệu quả năng lượng và nhiên liệu...


Phát triển sản phẩm chiến lược


Một số chuyên gia nhận định, đối với ngành da giày, túi xách, thị trường nội địa và khu vực ASEAN đang có mức tiêu thụ lớn và chất lượng ngày càng cao. Do đó, ngành da giày, túi xách cần nâng cao năng lực sản xuất về lâu dài. Vì vậy, việc quy hoạch các khu công nghiệp hỗ trợ, cụm công nghiệm nhỏ, trung tâm thương mại, giao dịch nguyên phụ liệu... để nâng cao giá trị sản phẩm là giải pháp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu có hiệu quả và bền vững.


Hiện nay, ngành da giày có khoảng 800 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 624.000 lao động, trong đó ngành sản xuất giày dép các loại chiếm tỷ trọng 63,5%; da thuộc là 4,1%; cặp, túi, ví các loại là 32,4%. Quy hoạch đến năm 2020, mục tiêu của ngành da giày Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn của nền kinh tế, giai đoạn 2016 - 2020 đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp là 8,8%, tỷ lệ nội địa hóa đạt 75 - 80%.


Theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), các sản phẩm chiến lược của ngành da giày gồm: giày dép, trong đó giày thể thao và giày vải được ưu tiên sản xuất và xuất khẩu; giày dép da thời trang, cặp, túi, ví chất lượng cao nhằm hướng đến thị trường mới, thị trường cao cấp và nội địa. Bên cạnh đó, ngành sẽ phát triển mạnh sản xuất nguyên vật liệu và công nghiệp phụ trợ nhằm giảm nhập siêu và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm da giày, cụ thể là tập trung sản xuất da thuộc, vải giả da chất lượng...


Bà Phạm Thị Thu Hằng,Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam là nhà cung cấp sản phẩm may mặc khối lượng lớn với chi phí thấp, có khả năng cạnh tranh về giá, nguồn cung về dịch vụ tiện ích khá rẻ. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất những sản phẩm có chi tiết phức tạp, chất lượng cao nhưng ngành may mặc cần thu hẹp khoảng cách trong chuỗi giá trị thông qua khuyến khích đầu tư vào ngành se sợi và dệt để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, ngành cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước, đồng thời tăng cường đào tạo kỹ năng để cải thiện năng lực cạnh tranh.

 

Mỹ Phương

Đưa doanh nghiệp dệt may về nông thôn
Đưa doanh nghiệp dệt may về nông thôn

Việc hình thành các khu, cụm công nghiệp dệt may tại nông thôn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phát triển toàn diện, cả về năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN