Xuất khẩu dệt may tăng trưởng mạnh

Dệt may là một trong những ngành duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (XK) ấn tượng, khi các tháng đầu năm 2014 ngành này đứng thứ 2 trong các ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước. Mặc dù vậy, ngành vẫn đang chủ động cải tiến, cơ cấu lại ngành để giữ vững tăng trưởng ổn định.


Tăng trưởng hơn 30%


Theo thống kê của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), chỉ tính hai tháng đầu năm 2014, kim ngạch XK dệt may đã đạt hơn 2 tỉ USD, trở thành mặt hàng có kim ngạch XK lớn thứ hai (chỉ sau mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện). Thị trường nhập khẩu chính của ngành vẫn là những quốc gia, lãnh thổ quen thuộc như Mỹ, EU, Nhật Bản... “Dự kiến, trong tháng 3 này, ngành sẽ XK thêm 1,3 tỉ USD, góp phần nâng kim ngạch của ngành trong quí I có khả năng đạt 3,3 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013. Hầu hết những thị trường trọng yếu nhập khẩu hàng của ngành đều có sự tăng trưởng khả quan. Ngay thời điểm đầu năm, chúng ta đã có sự khởi động rất ấn tượng. Nhưng đây không phải là “ăn may” mà là nỗ lực của toàn ngành”, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Vinatex, cho biết.

May áo Jacket xuất khẩu tại Công ty may Khánh Sơn (tỉnh Thái Bình). Ảnh: Trần Việt -TTXVN


Do tín hiệu thị trường tốt, nên tại nhiều doanh nghiệp, các đơn hàng dệt may về ổn định. Điều đặc biệt hơn, hiện không ít doanh nghiệp đã có cơ hội lựa chọn đơn hàng phù hợp năng lực của mình hoặc dựa vào những đơn hàng dài hơi có kế hoạch chủ động tăng năng suất, cải thiện doanh thu. Tính đến đầu tháng 3/2014, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều có đơn hàng đến hết quý I, quý II, thậm chí có không ít đơn vị đã ký hợp đồng sản xuất đến hết quý III năm 2014. Tại Tổng công ty may Nhà Bè, công việc kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn năm trước và đơn vị đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết năm 2014. Còn Công ty may thêu đan giày An Phước lạc quan dự báo, doanh số sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2013. Ngoài tập trung cho việc gia công XK, doanh nghiệp đang đẩy mạnh mở rộng, phát triển thị trường nội địa với các loại sơ mi, quần tây, vest, jean dành cho khách hàng trung niên...


Theo ông Trường, do nền kinh tế của các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… bắt đầu hồi phục nên hút mạnh hàng dệt may. Trong khi đó, năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong ngành cũng đã được nâng cao, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cạnh tranh cho ngành. Theo nhận xét của các chuyên gia trong ngành, trong các tháng đầu năm 2014, tuy đơn giá XK không tăng so với năm 2013 nhưng với việc đơn hàng dồn dập là tín hiệu khởi đầu thuận lợi của ngành. Ngoài những thị trường truyền thống, các doanh nghiệp đang tích cực hướng đến các thị trường mới, tiềm năng như Trung Đông, Australia…


Không chủ quan


Theo bà Đặng Thị Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, sự cạnh tranh xuất khẩu giữa các nước có thế mạnh về diệt may đang trở nên gay gắt hơn. Không ít quốc gia, vùng lãnh thổ như EU… đã cho Bangladesh, Lào, Campuchia… được hưởng ưu đãi đặc biệt (thuế nhập khẩu về 0%). Điều này khiến khách hàng chuyển sang đặt hàng tại những nước này. Song song đó, các rào cản thương mại gia tăng tại những thị trường truyền thống, đặc biệt là từ Mỹ với các yêu cầu khắt khe về trách nhiệm xã hội, nhãn mác sinh thái, bảo vệ môi trường... cũng khiến cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp khó khăn hơn trong cuộc tìm kiếm và ký kết hợp đồng. “Sản xuất của chúng ta vẫn chủ yếu là gia công nên hiệu quả chưa cao. Chính điều này đã khiến cho thu nhập của đại bộ phận công nhân may chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra”, bà Dung cho hay.


Nhìn ở góc độ vĩ mô, ông Trường cho rằng, Vinatext đã kiên trì định hướng cho các đơn vị trực thuộc là bên cạnh việc ổn định đơn hàng thì cần xây dựng năng lực cạnh tranh bền vững. Theo đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư nâng cao khâu thiết kế, chủ động nguồn nguyên phụ liệu… hai khâu này vốn được xem là những khâu yếu nhất trong chuỗi hoạt động của ngành, khiến cho giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may còn thấp. Trong thời gian tới, doanh nghiệp cần giảm tới mức thấp nhất việc gia công XK, chuyển dần sang làm hàng dạng FOB (mua đứt bán đoạn), thậm chí là mạnh dạn làm các đơn hàng theo kiểu tự thiết kế, tự sản xuất… để tăng thêm giá trị của sản phẩm.


“Bên cạnh đó, chúng ta phải thay thế dần nguyên phụ liệu nhập khẩu bằng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước. Mục tiêu của ngành là làm sao thúc đẩy tất cả doanh nghiệp cùng phấn đấu để đạt được tỷ lệ nội địa hóa cao hơn. Có như vậy, chúng ta mới có được giá trị thặng dư tương xứng với tiềm năng và công sức bỏ ra”, ông Trường cho biết thêm.


Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN