Bài học xương máu từ vụ chìm tàu

Vụ chìm tàu ở vùng biển Cần Giờ (TP.HCM) làm 9 người thiệt mạng vào đêm 2/8 là tai nạn đặc biệt nghiêm trọng bằng phương tiện đường thủy tính từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân ai đúng, ai sai, ai chịu trách nhiệm sẽ được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, song 9 người thiệt mạng là hậu quả quá đau lòng, là bài học xương máu cho cơ quan chủ quản tàu H.29-BP.

 

Dư luận quan tâm đến vụ lật tàu này rất bức xúc về kiểu làm tắc trách trong công tác quản lý tàu. Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng thuyền trưởng lái tàu vẫn vô tư chở tới 30 người, trong khi trọng lượng cho phép của tàu chỉ chở tối đa được 12 người. Ấy là chưa kể đến hành trình trong điều kiện thời tiết xấu do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Điều đáng lưu ý là Công ty cổ phần Việt - Séc tự ý đưa phương tiện vào chở khách, không làm các thủ tục khai báo xin phép cho tàu xuất bến với các cơ quan chức năng theo quy định. Người điều khiển tàu mặc dù có bằng lái nhưng vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn và thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng…


Người dân cũng đặt câu hỏi tại sao tới 6 tiếng sau khi nhận được thông tin cứu nạn, tàu cứu hộ SAR mới ra đến nơi, trong khi khoảng cách từ vị trí tàu cứu hộ SAR tới chỗ tàu bị nạn hành trình tốc độ khẩn cấp chưa đầy 30 phút? Tại sao tàu Bộ đội Biên phòng lại tiếp cận tàu bị nạn trước, còn tàu cứu hộ SAR đến quá muộn trong khi tàu SAR được coi là hiện đại và chuyên trách cứu hộ trên biển xa? Sự chậm trễ này ai chịu trách nhiệm? Giá như tàu SAR đến trước tàu của Bộ đội Biên phòng chắc hẳn số người tử nạn không đến con số 9. Dư luận cũng đặt câu hỏi vì sao hai tàu đi cùng tàu H.29-BP nhận được tin gặp nạn nhưng vẫn vô cảm bỏ đi? Cá nhân, tổ chức nào trực tiếp tổ chức chuyến đi này?


Với quá nhiều thắc mắc nêu trên, điều mà dư luận cần giải đáp là các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị khác có liên quan phải chịu trách nhiệm chứ không phải là tình trạng cơ quan nào cũng giải trình rồi “đổ thừa” cho nhau. Tuy vụ việc đã qua, nhưng bài học xương máu cần rút kinh nghiệm thì các cơ quan chức năng không thể không làm để tránh những vụ tương tự xảy ra trong thời gian tới, nhất là trong mùa mưa bão.


Xin nói thêm là trên vùng cửa sông, biển khu vực TP Hồ Chí Minh hằng ngày lưu lượng tàu thuyền hải trình tấp nập và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Không phải đến bây giờ mới cảnh báo, mà bài học kinh nghiệm của nhiều vụ tai nạn giao thông trên vùng cửa sông, biển, lạch trước đây ở Cần Giờ cũng có nhiều sai phạm, trong đó có sai phạm chưa được khắc phục triệt để là chở quá trọng tải số người theo qui định của tàu. Bên cạnh đó, các phương tiện cấp cứu tại chỗ như áo phao cá nhân, xuồng cứu hộ, thông tin cấp cứu cũng mang tính đối phó, đó là chưa kể đến trách nhiệm trình độ kinh nghiệm của người lái tàu và những công trình xây dựng trái phép đang hằng ngày lấn chiếm làm cho lòng sông, lạch, luồng ngày càng hẹp hơn, rác thải bừa bãi xuống sông làm cản trở đến việc lưu thông của tàu thuyền.


Vụ chìm tàu H.29-BP tại Cần Giờ TP Hồ Chí Minh đêm 2/8 là bài học xương máu, cảnh tỉnh, nhắc nhở các cơ quan chủ quản về việc quản lý, đặc biệt là bài học cho các chủ tàu về chấp hành nghiêm qui định trọng tải khi chở khách. Còn những mất mát của gia đình người bị nạn và những người tử nạn thì không gì bù đắp nổi.

 

Mai Thắng

Tìm thấy hai thi thể cuối cùng trong vụ chìm ca nô
Tìm thấy hai thi thể cuối cùng trong vụ chìm ca nô

Hồi 7h sáng 5/8, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực III đã hoàn tất công tác tìm kiếm cứu nạn vụ tai nạn ca nô ở Cần Giờ trên biển. Thi thể 2 nạn nhân cuối cùng được phát hiện tại khu vực con tàu bị chìm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN