Vận động phụ huynh đưa con em đến trường

Không đồng thuận việc sáp nhập trường, những ngày đầu tiên của năm học mới 2020-2021, hàng trăm phụ huynh tại 2 xã Tế Nông và Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã phản ứng bằng cách không cho con em đi học. Hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống đang phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đến trường.

Chú thích ảnh
Trường Tiểu học Trung Chính. Ảnh: baothanhhoa.vn

Ông Đỗ Gia Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống cho biết: Nguyên nhân là do ngày 1/9, UBND huyện Nông Cống có quyết định sáp nhập trường Tiểu học và trung học cơ sở Trung Ý (xã Trung Ý cũ) vào Trường Tiểu học và trung học cơ sở Trung Chính; Trường Tiểu học Tế Tân (xã Tế Tân cũ) sáp nhập vào Trường Tiểu học Tế Nông. Người dân cho rằng con em phải đi lại xa hơn, vất vả, không có người đưa đón, đặc biệt là không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông nên đã phản ứng bằng việc không cho con đến trường học.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống cho biết, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã có văn bản báo cáo Thường trực Huyện ủy, UBND và MTTQ huyện tiếp tục chỉ đạo các xã Trung Chính, Tế Nông tích cực tuyên truyền, phân công cán bộ xã đến từng thôn, từng gia đình để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân; vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Chủ trương sáp nhập trường là thực sự cần thiết, đúng với chủ trương, đường lối, do vậy, địa phương chỉ đạo lực lượng công an các xã nắm bắt địa bàn và tìm ra người xúi giục và cản trở nhân dân không cho con em đi học.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống đang tiếp tục cử cán bộ, chuyên viên bám sát, nắm bắt tình hình; xin ý kiến huyện  đầu tư xây dựng bếp ăn bán trú tại các trường mới sáp nhập để phục vụ học sinh, đặc biệt là số học sinh lớp 1 có bố mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà không có điều kiện đưa đón con nhiều lần trong ngày.

Theo ông Lê Hùng Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Tế Nông, hiện Trường Tiểu học Tế Tân có 200 học sinh, Trường Tiểu học Tế Nông có 370 học sinh. Sau khi tính toán phương án, địa phương quyết định chuyển học sinh tiểu học từ Tế Tân sang Tế Nông học, khoảng cách giữa 2 điểm trường khoảng 4 km. Tuy nhiên, phụ huynh học sinh tiểu học ở Tế Tân không đồng tình với phương án này vì cho rằng việc chuyển đến trường mới gây xáo trộn nhiều. Theo đó, tại Trường Tiểu học Tế Nông ngày khai giảng 5/9 có 40/212 học sinh đến trường; ngày 7/9 có 36/200 học sinh đến trường học.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại Trường Tiểu học Trung Chính, tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Phùng, Chủ tịch UBND xã Trung Chính, huyện Nông Cống, việc sáp nhập các trường trung học cơ sở và tiểu học thuộc xã Trung Ý cũ và các trường thuộc xã Trung Chính lần này nằm trong lộ trình chung của việc thực hiện Nghị quyết 786 của UB thường vụ Quốc hội về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp Huyện, cấp xã. Theo đó, các xã có hai tiêu chí về dân số và diện tích không đạt 50% theo tiêu chí chung được Quốc hội quy định phải tiến hành sáp nhập.

Trên thực tế, xã Trung Chính là xã nhỏ, dân số chưa đầy 5.000 người. Bên cạnh đó xã Trung Ý (cũ) còn có diện tích và dân số ít hơn (khoảng 2.300 người). Vì vậy, hai xã Trung Chính và Trung Ý (cũ) phải sáp nhập lại thành một xã. Theo đó, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, trường học, trạm xá phải sáp nhập để đảm bảo khả năng đầu tư cơ sở vật chất, cán bộ, giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Trung Ý cũ cũng đã xuống cấp...

Khiếu Tư (TTXVN)
Sáp nhập trường lớp để nâng cao chất lượng dạy và học
Sáp nhập trường lớp để nâng cao chất lượng dạy và học

Sáp nhập trường lớp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các trường học hiện nay ở Nghệ An, đặc biệt năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới và chuẩn bị tiền đề cho những năm học đổi mới tiếp theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN