Sáp nhập trường học cần phù hợp với đặc thù từng địa phương

Thực hiện chủ trương sáp nhập các trường học, một số địa phương tại Sơn La đã triển khai nội dung này; trong đó, huyện Phù Yên là một trong những địa phương có nhiều trường học được sáp nhập.

Việc thực hiện sáp nhập đã giúp tinh gọn bộ máy, giảm cán bộ lãnh đạo, tuy nhiên sau khi thực hiện chủ trương này vẫn còn một số khó khăn nhất định.

Chú thích ảnh
Giờ học của cô và trò trường mầm non Quang Huy, huyện Phù Yên. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Những kết quả ban đầu

Thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La, Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên đã ban hành quyết định thành lập 24 trường Mầm non, Tiểu học, Tiểu học và Trung học Cơ sở trên cơ sở sáp nhập các đơn vị trường theo đề án đã được phê duyệt. Sau khi thực hiện sáp nhập, huyện Phù Yên giảm từ 86 đơn vị trường học xuống còn 61 trường. Việc giảm các đơn vị trường học đã góp phần quan trọng trong việc tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên, giảm được 47 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; 1 nhân viên thư viện. 

Ông Phạm Viết Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Đá Đỏ, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên cho biết, sau khi thực hiện, Nhà trường đã giảm được số lượng cán bộ làm công tác quản lý so với trước đây. Ngoài ra, các tổ chuyên môn và số lượng tổ trưởng cũng được giảm xuống.

Theo bà Đinh Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Đá Đỏ, việc sáp nhập đã giúp nhà trường giảm các điểm lẻ, trước đây có 6 điểm lẻ, nay còn 4 điểm lẻ. Sau khi giảm điểm lẻ, các học sinh lớp 4 và lớp 5 ở bản xa hơn sẽ chuyển đến khu trung tâm để học. Tại đây, các em được bố trí ăn, ở bán trú nên thuận lợi hơn trong quá trình học tập cùng các bạn.

Ông Lê Tiến Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên cho biết, chủ trương sáp nhập các đơn vị trường học là một nội dung nhằm triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Đây là chủ trương đúng đắn góp phần tích cực trong việc giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập; tinh giản được biên chế lãnh đạo, nhân viên. Đi kèm với đó là giảm chi phí về tài chính, giảm bớt hệ số chi trả cho hệ thống quản lý. Từ đó, địa phương tăng cường tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị để đưa chất lượng dạy và học ngày càng tốt hơn. 

Cần phù hợp với từng địa bàn

Chú thích ảnh
Giờ học của học sinh trường tiểu học và trung học cơ sở Đá Đỏ, huyện Phù Yên. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, Trường Mầm non Quang Huy và Trường Mầm non Quang Huy 2 trước đây vốn đóng trên cùng một xã đã được sáp nhập. Trước đây, do đặc thù là xã có địa bàn rộng, dân cư phân bố ở vùng cao và vùng thấp nên mới có hai trường mầm non để thuận tiện cho việc người dân đưa trẻ đi học. Trong đó, Trường Mầm non Quang Huy 2 vốn đóng ở địa bàn vùng cao và mới đi vào hoạt động được 5 năm. Khi mới thành lập, điều kiện cơ sở vật chất còn rất khó khăn, cán bộ, giáo viên Nhà trường đã làm tốt công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Nhờ đó, xây dựng được trường lớp tương đối khang trang, đảm bảo điều kiện cho trẻ, có phòng học kiên cố và bán kiên cố. 

Bà Lường Thị Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Huy, nguyên là Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Huy 2 cho biết, trước đây khi chưa sáp nhập, Nhà trường đã xây dựng cơ sở vật chất với phòng hội đồng, phòng nghỉ cho giáo viên. Hiện nay, do thực hiện sáp nhập, các hoạt động của Ban Giám hiệu và giáo viên đã chuyển xuống trường ở vùng thấp. Khi sáp nhập hai đơn vị trường với nhau, cơ sở vật chất có sự lãng phí vì phòng Hội đồng không sử dụng đến. Hiện nay, Ban Giám hiệu chỉ thay ca lên kiểm tra, giám sát các cô ở điểm trường, chứ không cắm chốt trên đó nữa.

Theo bà Doanh Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Huy, từ điểm trường trung tâm đến điểm trường vùng cao cách xa hơn 20km, không những thế đường sá đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và những hoạt động chung của nhà trường. Sau khi sáp nhập, biên chế số lượng giáo viên trên lớp còn thiếu so với định biên. 

Cũng chung nhận định về những vấn đề tồn tại sau khi sáp nhập, ông Phạm Viết Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Đá Đỏ cho biết, do đặc thù đóng ở khu vực miền núi, địa bàn rộng, trường gặp phải một số khó khăn. Đó là khoảng cách địa lý giữa trường Tiểu học trước kia và trường Trung học Cơ sở cách xa nhau khoảng 6km, có những điểm trường lẻ cách trung tâm gần 20km. Vì vậy, việc đi lại của cán bộ, giáo viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp khó khăn.

Ngoài ra, một đơn vị trường học nhưng phải tổ chức hai nơi nấu ăn bán trú cho học sinh. Điều này ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của  các cán bộ nấu ăn, y tế.  Bên cạnh đó, việc hội họp, tổ chức công tác đoàn thể của đoàn thanh niên, đội thiếu niên hoạt động cũng khó khăn vì học sinh không tập trung. Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Đá Đỏ cũng cho rằng, trong lộ trình thực hiện cần thí điểm ở những xã có điều kiện thuận lợi, những nơi còn lại cần phải xem những đơn vị trước có những thuận lợi và khó khăn gì để có giải pháp phù hợp sau khi sáp nhập. 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên Lê Tiến Quân cho biết, sau khi sáp nhập các trường học đã dôi dư 58 Phó Hiệu trưởng. Việc sắp xếp số lượng cấp phó nhiều hơn so với quy định là một trong những khó khăn của huyện. Ngoài ra, các trường học sau khi sáp nhập đa số không tập trung học tại một điểm do cơ sở vật chất hiện tại không đáp ứng được.

Trong thời gian tới, huyện sẽ có lộ trình sắp xếp, kiện toàn đảm bảo thực hiện số lượng cấp phó tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục đúng quy định. Đồng thời, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động dôi dư sau sắp xếp. Bên cạnh đó, tiếp tục nắm bắt khó khăn trong hoạt động của các trường sáp nhập để có sự điều chỉnh phù hợp.

Hữu Quyết – Nguyễn Chiến (TTXVN)
Cần sớm giải quyết những bất cập sau sáp nhập các trường học ở Quảng Trị
Cần sớm giải quyết những bất cập sau sáp nhập các trường học ở Quảng Trị

Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII, sau khi sáp nhập các trường học, tỉnh Quảng Trị đã giảm 75 trường, hiện còn 422 trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN