Lớp học đầu tiên
Thế hệ chúng tôi - những người làm báo Thông tấn xã Việt Nam hiện nay - biết đến khoá đào tạo phóng viên đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã qua những trang sử của ngành.
Những tư liệu lưu giữ ở Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn xã Việt Nam đã ghi: Ở thời điểm ấy, các cơ quan báo chí rất thiếu cán bộ, phóng viên. Sau Tết nguyên đán Ất Mùi, tháng 2/1955, Thông tấn xã quyết định mở lớp đào tạo phóng viên để tạo nguồn cán bộ. Với chủ trương tổ chức tốt khóa đào tạo đầu tiên này, Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã Hoàng Tuấn lúc ấy đã mời một chuyên gia nước ngoài làm cố vấn cho lớp học. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao ở Trung ương đã đến giảng bài, nói chuyện về kinh nghiệm làm báo. Ban phụ trách lớp học có ba người: Ông Đào Tùng, Phó Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã phụ trách chung; ông Nguyễn Thân, cán bộ giáo vụ - một người giỏi ngoại ngữ nên giữ việc quan hệ với cố vấn và ông Lê Quang Liêm là giáo vụ trực tiếp quản lý lớp, tổ chức thực hiện chương trình, thời gian học tập của lớp…
Ngoài những bài giảng có tính kinh điển về viết tin, các thể loại báo chí, những lý luận nghiệp vụ do các đồng chí Tạ Lâm Phong, Trưởng phân xã Tân Hoa xã tại Việt Nam, phóng viên báo La Humanitea (của Đảng Cộng sản Pháp)... trình bày, lớp học còn được nghe các nhà báo lão luyện như Hoàng Tùng, Thép Mới, Hồng Hà, Ngô Điền... trình bày những kinh nghiệm sống động về nghiệp vụ. Có thể nói, chỉ trong 6 tháng (từ 6/5 đến 17/11/1955), lớp đã trang bị cho học viên những kiến thức rất cơ bản để hành nghề.
Để có lớp học, ba tháng đầu năm 1955, cán bộ giáo vụ đã phải đi các nơi như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... để tuyển sinh. Đối tượng chủ yếu là cán bộ trẻ của các cơ quan tuyên huấn, ngành văn hóa thông tin và một số là học sinh dự bị đại học. Cuối tháng 3/1955, hơn 50 học viên của lớp đã có mặt đông đủ ở Hà Nội. Lớp học khai giảng đầu tháng 5/1955 và kết thúc vào cuối tháng 11/1955.
Hầu hết học viên sau đó đều về nhận công tác ở Thông tấn xã và Đài Tiếng nói Việt Nam, chỉ vài người về các cơ quan báo chí khác, đóng góp tích cực vào sự nghiệp thông tấn nói riêng và sự nghiệp báo chí nói chung như: Đồng chí Lam Thanh, Nguyễn Văn Trường từng làm Trưởng ban Biên tập tin Trong nước; đồng chí Đoàn Dũng, Đinh Trọng Quyền, Phó Trưởng ban Biên tập tin Trong nước; đồng chí Phạm Nho Nghĩa, Trưởng ban Ảnh; đồng chí Phước Quỳnh, Phó Trưởng ban Đối ngoại, đồng chí Nguyễn Văn Tung, Phó Trưởng ban Biên tập tin Thế Giới; đồng chí Đăng Văn San, Chánh văn phòng Thông tấn xã Việt Nam; đồng chí Lê Văn Lâm, Trưởng ban Tổ chức cán bộ...
Sau thành công của khóa học này, Việt Nam Thông tấn xã tổ chức thêm một số khóa học mới, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo như: Xác định đối tượng tuyển sinh; xây dựng giáo trình cơ bản về nghiệp vụ; nội dung, thời gian học tập; kết hợp giữa đào tạo phóng viên tin và phóng viên ảnh, giữa phóng viên trong nước và phóng viên quốc tế...
Nhờ vậy, trong những năm sau này, Thông tấn xã hoàn toàn tự đảm bảo được nguồn lực về cán bộ, phóng viên, đáp ứng, nhu cầu phát triển và chi viện cho các chiến trường, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Đến nhiều khoá đào tạo thích ứng với thời cuộc
67 năm đã trôi qua, nhưng truyền thống vẻ vang của lớp đào tạo phóng viên, biên tập viên đầu tiên vẫn còn đó, tiếp sức cho lớp lớp phóng viên sau này. Nhiều khóa học được tổ chức mang lại hiệu quả chất lượng thông tin tốt cho Thông tấn xã Việt Nam nói riêng cũng như đội ngũ làm báo nói chung trên cả nước.
Có thể nói để "dòng tin chủ lưu không ngừng chảy" là nỗ lực học hỏi của mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam. Những khoá học đã mang lại sự gắn kết, tri thức cho những người làm báo Thông tấn.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn xã Việt Nam cho biết: “Ngày nay, trên cơ sở định hướng phát triển của Thông tấn xã Việt Nam, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các lớp tập huấn: Sử dụng công cụ sản xuất nội dung đa phương tiện, Phát triển nội dung video trên nền tảng số đã kịp thời cập nhật xu hướng của báo chí, giới thiệu nhiều công cụ hữu ích phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm báo chí đa phương tiện; gợi mở hướng phát triển cho các đơn vị thông tin”.
“Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên đi thường trú ngày càng sát thực với yêu cầu nhiệm vụ thông tin, cung cấp các kỹ năng làm báo cơ bản nhất, cân đối giữa các loại hình (tin văn bản, ảnh, truyền hình), thời gian dành cho thực hành nhiều hơn”, bà Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng về việc đào tạo báo chí thích ứng với thời cuộc, bà Nguyễn Hồng Hạnh cho biết: “Trong các năm 2020-2022, nguồn kinh phí phân bổ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục ở mức thấp, cùng với đó do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh COVID-19, nhiều lúc, nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội với các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh, việc tổ chức các lớp học tập trung đông người, đặc biệt là các lớp học bồi dưỡng kỹ năng làm báo cho đội ngũ phóng viên các cơ quan thường trú đòi hỏi có sự di chuyển từ các địa phương gặp khó khăn và bị động. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn đã chuyển hướng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, với các hình thức linh hoạt, tăng tính chủ động và phù hợp với các thời điểm diễn biến dịch COVID-19 tại các địa bàn”.
Bồi dưỡng kỹ năng làm báo cho phóng viên, biên tập viên như: Tập huấn chuyên đề chuẩn bị các chiến dịch thông tin về các sự kiện chính trị lớn của đất nước, Chi bộ và Ban phụ trách Trung tâm đã trao đổi, chủ động đề xuất tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề: Kỹ năng thông tin xây dựng Đảng (2020), Kỹ năng thông tin bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp (5/2021), Kỹ năng thông tin SEA Games 31(5/2022)… cung cấp kịp thời những kỹ năng cần thiết về viết tin, chụp ảnh, truyền hình, công tác phối hợp tổ chức thông tin giữa các Ban biên tập, tòa soạn và các cơ quan thường trú, góp phần vào thành công của chiến dịch thông tin đặc biệt quan trọng này.
Đáng chú ý là lớp tập huấn về Thông tin bầu cử Quốc hội (200 cán bộ phóng viên, biên tập viên), Thông tin về SEA Games 31 (hơn 70 cán bộ phóng viên, biên tập viên), trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, được tổ chức thử nghiệm mô hình đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa Tổng xã với các điểm cầu Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh…
Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức các lớp như: Nghiệp vụ marketing sản phẩm báo chí cho gần 50 viên chức Trung tâm phát triển truyền thông, các tòa soạn và đơn vị chức năng khu vực Tổng xã; Nghiệp vụ truyền thông cho viên chức khu vực phía Nam, nội dung sát thực về các kỹ năng marketing trong bối cảnh chuyển đổi số; giảng viên là các chuyên gia về truyền thông, marketing của các đơn vị, tập đoàn lớn; Lớp tập huấn Sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử cho hơn 100 cán bộ lãnh đạo và chuyên viên làm công tác văn thư, góp phần thực hiện Chính phủ điện tử và chuyển đổi số tại Thông tấn xã Việt Nam.