Yêu cầu thay đổi
Tại một số cơ sở đào tạo báo chí hiện nay, việc áp dụng chuẩn hóa đầu ra rất quyết liệt. Có những khóa học chỉ có 30% sinh viên đỗ tốt nghiệp lần đầu. Lý do trượt tốt nghiệp nhiều chủ yếu nằm ở hai môn học tin học và ngoại ngữ.
PGS. TS Hà Huy Phượng Giảng viên cao cấp, Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu vấn đề: “Nếu sinh viên có được kiến thức và kỹ năng nghề báo tốt rồi mà lại thiếu khả năng làm chủ kỹ thuật và công nghệ thì bị coi là “khập khiễng đôi chân”. Như vậy làm sao có thể hoạt động báo chí chuyên nghiệp trong thời đại số”.
Nhìn thấy được thực trạng này, các cơ sở đào tạo báo chí đã chủ động đổi mới công tác đào tạo. Các cơ sở đào tạo báo chí đã và đang cập nhật những môn học gắn liền với các xu hướng báo chí mới như: Báo chí dữ liệu, truyền thông hội tụ và truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội và mạng xã hội, báo chí trên di động, thiết kế đồ họa...
Các lớp học kỹ năng rèn nghề đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật và công nghệ được tổ chức thường xuyên để người học có thể làm chủ công nghệ, kiểm soát các ứng dụng công nghệ như: loT, Big data, AI, e-magazine... trong sản xuất sản phẩm báo chí.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc thay đổi chương trình đào tạo để thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số được chú trọng, cập nhật nhiều nội dung mới, tương thích. Các chương trình về cơ bản được xây dựng có tính chất liên thông ở các môn học ngành, cơ sở ngành, nhưng có mang tính độc lập, tôn trọng tính đặc thù của chuyên ngành theo loại hình báo chí, trong đó đặc biệt chú trọng đưa vào những môn học có tính chất thời đại để người học có điều kiện tiếp cận với kiến thức, kỹ năng làm báo hiện đại, nhất là các kiến thức, kỹ năng làm báo trong thời đại số.
Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong bối cảnh bùng nổ truyền thông, giảng dạy về truyền thông mới, truyền thông hội tụ và đa phương tiện, truyền thông xã hội, về sự phát triển của báo chí hiện đại trong môi trường truyền thông mới... vẫn tiếp tục là nội dung quan trọng được giảng dạy tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông với nhiều học phần mới như báo chí trên điện thoại di động, báo chí dữ liệu, tổ chức nội dung và sáng tạo siêu tác phẩm báo chí, đưa tin trong tình huống khẩn cấp,... và các lĩnh vực báo chí chuyên biệt khác.
Nếu sinh viên có được kiến thức và kỹ năng nghề báo tốt rồi mà lại thiếu khả năng làm chủ kỹ thuật và công nghệ thì bị coi là "khập khiễng đôi chân", PGS.TS Hà Huy Phượng nói.
Tiến tới đào tạo đa kỹ năng
“Hệ thống các môn học về ngành và cơ sở ngành báo chí cần được thay đổi, cập nhật, thích ứng với môi trường thực tiễn hoạt động báo chí hiện đại, đó là: Lý thuyết truyền thông, cơ sở lý luận báo chí, lao động báo chí, tổ chức hoạt động cơ quan báo chí, tác phẩm báo chí, biên tập báo chí, tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí (theo loại hình), đạo đức và pháp luật báo chí... Những môn học này cần được rà soát điều chỉnh lại tên môn, nội dung đề cương chi tiết, mục tiêu và chuẩn đầu ra, hệ thống học liệu, câu hỏi ôn tập, kiểm tra đánh giá... Đặc biệt là phải gia tăng nội dung kiến thức, kỹ năng cho người học về ứng dụng kỹ thuật, nền tảng công nghệ số để sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí số”, PGS.TS Hà Huy Phượng cho biết.
Nhấn mạnh đến đổi mới trong giảng dạy, PGS.TS Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, trong xu thế hiện nay, đào tạo báo chí phải tăng cường khả năng sáng tạo nội dung trên nền tảng số của sinh viên, không đơn thuần là chữ viết, cần tư duy về con số, dữ liệu, cách xử lý bằng hình ảnh để tác phẩm đến tay người đọc hấp dẫn hơn. Để có được những bài giảng trực quan như vậy, nhiều cơ sở đào tạo báo chí đã trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đầu tư và xây dựng Phòng nghiệp vụ báo chí gồm trường quay, phòng thu âm hiện đại, hệ thống máy tính chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất, thiết kế đồ họa, dựng phim... để sinh viên sớm tiếp cận với những công nghệ số.
PGS.TS. Trịnh Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) cho biết, nhà trường chú trọng hình thành một hệ thống các địa chỉ đỏ gồm các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, công ty truyền thông... liên kết với nhà trường để sinh viên đến học tập, rèn luyện. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cũng bồi dưỡng về nhận thức cho sinh viên để phòng tránh hạn chế các mặt trái của xã hội thông tin hiện đại. Sinh viên cần nhận thức đúng về các vấn đề bản quyền thông tin, vấn đề kiểm duyệt độ tin cậy của các nguồn tin trên mạng, đảm bảo tính trung thực, chính xác của thông tin, vấn đề đạo đức và an ninh mạng...
Theo TS Trần Quang Diệu, chuyên gia Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), một nhà báo hiện đại không chỉ cần có các kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn phải có các kỹ năng sử dụng kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, tổ chức nội dung hay các kỹ năng tương tác và xử lý thông tin trên mạng xã hội. Do đó cần phải đào tạo và đào tạo cho nhân lực báo chí đáp ứng được chuyên môn, nghiệp vụ và công nghệ, đặc biệt là báo chí dữ liệu, báo chí di động và báo chí thông minh trong xu thế phát triển báo chí hiện nay.