TP Hồ Chí Minh: Lo ngại giáo viên trường công dịch chuyển sang trường tư

Hiện TP Hồ Chí Minh không chỉ gặp khó khăn về nguồn tuyển giáo viên ở các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh, Tin học... mà còn có tình trạng giáo viên khối công lập dịch chuyển sang khối trường tư.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng giáo viên nghỉ việc rất đáng báo động. Giáo viên nghỉ việc không phải bỏ nghề mà thay đổi môi trường dạy học từ trường công sang trường tư.

Chú thích ảnh
Năm học 2022 - 2023 học sinh lớp 3 tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, các trường tư tại TP Hồ Chí Minh được đầu tư tốt, cơ sở vật chất tốt và thu hút được phụ huynh học sinh cho nên các trường này trả lương cho giáo viên cao hơn các trường công. Từ đó, nhiều giáo viên giỏi, giáo viên có thâm niên chuyển ra khu vực ngoài công. Đây là vấn đề Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh rất quan tâm và cũng rất lo ngại.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, hiện nay TP Hồ Chí Minh chỉ mới có chế độ chính sách hỗ trợ cho giáo viên Mầm non, còn giáo viên ở các bậc Tiểu học, THCS, THPT chưa có chế độ hỗ trợ. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng đã tính toán xin chủ trương thu hút giáo viên ở các môn khó tuyển như giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh…

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm, đến nay là năm thứ 3 Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, hiện có nhiều môn mới ở bậc Tiểu học như tiếng Anh và Tin học, việc tuyển giáo viên gặp nhiều khó khăn do đồng lương chưa thu hút được giáo viên. Bên cạnh đó, việc sắp xếp ngạch lương giữa các cấp học cũng khiến cho việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh ở bậc Tiểu gặp khó. Hiện nay, theo thống kê của các quận, huyện đang thiếu khoảng 500 giáo viên tiếng Anh.

“Sinh viên tốt nghiệp khoa tiếng Anh mới ra trường có rất nhiều công việc khác có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, hệ số lương giữa các cấp học cũng rất bất cập và chúng tôi đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần nhưng vẫn chưa thay đổi được. Cụ thể, theo yêu cầu, giáo viên Tiểu học và giáo viên THCS phải tốt nghiệp đại học nhưng hệ số lương của giáo viên Tiểu học xuất phát chỉ 1,86 còn THCS là 2,34. Do đó, nếu dạy học thì giáo viên tiếng Anh sẽ chọn dạy học ở THCS chứ không dạy ở bậc Tiểu học”, ông Nguyễn Văn Hiếu lý giải.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, Sở đang thực hiện quy trình tuyển dụng viên chức, dự kiến trong tháng 8/2022 sẽ hoàn thành, kịp thời phân công các trường hợp trúng tuyển về đơn vị nhận nhiệm vụ để chuẩn bị năm học mới. Nếu tuyển không đủ thì các đơn vị sắp xếp tuyển bổ sung thêm.

Ngoài ra, đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển dụng như Công nghệ, Tin học nói chung và vị trí giáo viên môn mới Âm nhạc, Mỹ thuật nói riêng, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tất cả các đơn vị trực thuộc chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn với điều kiện đặt ra các trường hợp này phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với cấp học.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Cần cơ chế đồng bộ để giải bải toán thiếu giáo viên triển khai Chương trình GDPT mới
Cần cơ chế đồng bộ để giải bải toán thiếu giáo viên triển khai Chương trình GDPT mới

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước thiếu hơn 5.000 giáo viên nghệ thuật để phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN