Theo đó, Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, có hiệu lực từ ngày 26/5/2020, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, có hiệu lực từ ngày 27/4/2021.
Quy chế này quy định về thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, bao gồm: Quy định chung; chuẩn bị tổ chức thi; đối tượng, điều kiện dự thi, đăng ký dự thi, trách nhiệm của thí sinh; công tác đề thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo và chấm thẩm định; xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; chế độ báo cáo và lưu trữ; công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý các sự cố bất thường và xử lý vi phạm; tổ chức thực hiện.
Theo Quy chế, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên; 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội.
Bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học. Bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân (đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Phổ thông), hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học Phổ thông).
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Thời gian làm bài thi, môn thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.
Nội dung thi nằm trong chương trình Trung học Phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Để xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thí sinh đã học xong chương trình Trung học Phổ thông trong năm tổ chức kỳ thi và thí sinh đã học xong chương trình Trung học Phổ thông nhưng chưa thi tốt nghiệp hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước phải dự thi 4 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Với thí sinh Giáo dục thường xuyên dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh Giáo dục thường xuyên có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Với thí sinh có bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông và thí sinh có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh, được đăng ký dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Quy chế quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia. Trưởng ban là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Trưởng ban là lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh.
Mỗi tỉnh tổ chức một Hội đồng thi do Sở GD-ĐT chủ trì để tổ chức thi cho tất cả thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Mỗi Hội đồng thi có các điểm thi để tổ chức khâu coi thi trong kỳ thi.
Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong kỳ thi này. Theo đó, Bộ chỉ đạo tổ chức kỳ thi, quyết định phương án xử lý các trường hợp đặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các tình huống bất thường khác. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia để chỉ đạo tổ chức kỳ thi; Chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế thi; Xây dựng đề thi cho kỳ thi hằng năm.
Bộ GD-ĐT cũng có trách nhiệm đối sánh kết quả thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi.
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương.