Hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm?
Báo Tin tức đã đưa những phản ánh trên mạng xã hội về những hạt sạn trong SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Đó là ý kiến của những bậc phụ huynh có con đang học lớp 1 hoặc của các chuyên gia giáo dục.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh khẳng định, về những lỗi sai sót của SGK tiếng Việt mà dư luận xã hội phản ánh là hoàn toàn đúng. Thứ nhất, việc đưa quá nhiều đoạn văn theo phỏng theo ngụ ngôn của nhà văn nước ngoài không thành câu. Trong khi kho tàng văn chương của Việt Nam có biết bao nhiêu khổ thơ hay. Đọc cả bộ sách, những bài học cần bày tỏ động thái về mặt đạo đức như “cảm ơn, xin lỗi” rất ít. Bản SGK tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều cần phải hủy, vì có quá nhiều sạn.
Tuy nhiên, GS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt khẳng định: Hội đồng thẩm định SGK đã làm việc nghiêm túc, cẩn trọng. Tất cả những vấn đề mà độc giả quan tâm, Hội đồng thẩm định đều đã đề cập đến, trên tinh thần sai đâu sửa đó. Song, tất cả các bộ SGK tiếng Việt lớp 1 mà Hội đồng thẩm định không có gì sai.
Mức độ đánh giá SGK được Hội đồng thẩm định đưa ra bao gồm: Phù hợp cao, phù hợp trung bình, không phù hợp sẽ phải thay. Những vấn đề dư luận đặt ra như bài: Hai con ngựa, lừa, thỏ… Hội đồng thẩm định đã khuyến cáo nhóm tác giả nên thay bằng các từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ... khác. Điều này đã thể hiện trong biên bản đề nghị điều chỉnh. Tuy nhiên, còn có nhiều quan điểm khác nhau. Ví dụ, có người nói bài học dạy trẻ con lừa lọc. Quan điểm của nhóm tác giả khi dạy trên lớp chỉ ra "người lừa lọc lười biếng thì phải trả giá"… Nhóm tác giả vẫn giữ quan điểm. Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ chỉ ra những vấn đề sai và yêu cầu sửa, nhưng cũng phải tôn trọng ý kiến của nhóm tác giả.
Lý giải thêm cho việc này, GS Mai Ngọc Chừ dẫn chứng: Với từ “nhá”, Hội đồng thẩm định chỉ ra và yêu cầu thay bằng từ “nhai”, nhưng nhóm tác giả nói từ “nhai” chưa học tới vần “ai” mà mới đầu là mới học tới vần “a” nên thay bằng “nhá”. GS Mai Ngọc Chừ khẳng định: Nội dung cuốn sách sẽ do nhóm tác giả chịu trách nhiệm. Vì hội đồng thẩm định đã khuyến cáo rồi, nhưng nhóm tác giả vẫn giữ quan điểm.
Phản biện lại quan điểm này, chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất cho biết: Theo điều 32 Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, toàn bộ nội dung chất lượng SGK do Hội đồng thẩm định SGK chịu trách nhiệm.
Bộ sách cần phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thử nghiệm?
Đặt vấn đề về việc SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới được thử nghiệm như thế nào? TS Lê Thống Nhất cho biết: Khi có chủ chương xã hội hóa SGK, thì việc dạy thử nghiệm chỉ diễn ra ở một vài nơi và do chính nhóm tác giả, nhà xuất bản tổ chức. Trong khi đó, SGK năm 2000 được Bộ GD&ĐT đưa thực nghiệm 2 năm mới đưa vào giảng dạy đại trà.
TS Lê Thống Nhất cũng cho rằng, trước những phản ứng của xã hội, thì các bên liên quan cần phải lắng nghe và Bộ GD&ĐT cần có rà soát, để có tài liệu hướng dẫn, tránh gây phản ứng trong xã hội.
GS Mai Ngọc Chừ cũng đồng tình với quan điểm để Bộ GD&ĐT thử nghiệm chương trình SGK lớp 1. Hội đồng thẩm định quốc gia sẽ tiếp tục làm việc với những yêu cầu của Bộ GD&ĐT, rà soát lại những vấn đề dư luận đặt ra. Với sự điều phối của Bộ GD&ĐT, việc chỉnh sửa không SGK không quá khó, nhưng những cuốn SGK mới bắt dầu dạy cần có thời gian phản hồi từ giáo viên giảng dạy.
Đến nay, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị Hội đồng thẩm định rà soát. Tuy nhiên, những ý kiến phản bác về nội dung SGK tiếng Việt 1 vẫn tiếp tục gay gắt. Các bậc phụ huynh và giáo viên cần một phần trả lời đầy đủ và trách nhiệm hơn nữa từ Bộ GD&ĐT và Hội đồng thẩm định quốc gia về SGK tiếng Việt lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 trước khi kết thúc học kỳ I năm học 2020 - 2021.