Phát biểu tại lễ phát động, ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ: Trong hành trình của mỗi con người, chúng ta may mắn được gặp gỡ những người thầy, người cô với trái tim đầy nhiệt huyết và tình yêu thương vô bờ bến. Các thầy, cô đã không chỉ trao truyền cho chúng ta kiến thức mà còn dạy dỗ những giá trị của cuộc sống, về nhân cách và đạo đức.
Cuộc thi viết này không chỉ là một sân chơi văn học, mà còn là hành trình đầy ý nghĩa để khơi dậy những cảm xúc chân thật nhất trong lòng mỗi người. Qua từng câu chữ, từng lời văn, chúng ta sẽ thấy hiện lên những hình ảnh đẹp đẽ về thầy cô, về những tháng năm rực rỡ của tuổi học trò.
Ông Triệu Ngọc Lâm cũng nhấn mạnh: Những câu chuyện ấy sẽ là những viên gạch góp phần xây dựng nên một tượng đài tri ân, tôn vinh những người thầy, người cô đã và đang gieo mầm cho tương lai của đất nước. Để hoàn thành trọng trách to lớn này, bên cạnh những chính sách tạo động lực, sự nỗ lực của bản thân mỗi nhà giáo, rất cần sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của toàn xã hội.
Đại diện ban giám khảo cuộc thi, ông Phạm Quỳnh, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho biết: Được tổ chức lần đầu tiên năm 2018, từ đó cho đến nay, cuộc thi đã tạo hiệu ứng tích cực trong các nhà trường và cả nước, thu hút nhiều người tham gia, với số lượng bài thi năm sau cao hơn năm trước.
Theo ông Phạm Quỳnh, viết về kỷ niệm là cách kết nối với quá khứ, suy tư về tương lai. Cuộc thi là sự kết nối tình cảm giữa nhà trường - học sinh ngày càng bền chặt, củng cố quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời, khiến truyền thống "tôn sư trọng đạo" tiếp tục được phát huy. Đây cũng là dịp để nhắc nhở học sinh bài học về sự biết ơn.
Về thể lệ, nội dung các tác phẩm dự thi tập trung vào những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường. Tác phẩm thể hiện những ấn tượng sâu sắc về thầy cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ hoặc những tác động, ảnh hưởng đặc biệt của thầy cô tới việc học tập, nhận thức, làm thay đổi cuộc sống của cá nhân tác giả (hoặc bạn bè, người thân tác giả); Những tình huống sư phạm tiêu biểu, điển hình và cách giải quyết các tình huống ấy của thầy cô giáo mà tác giả đã từng gặp hoặc trải qua, thể hiện năng lực nghề nghiệp, khả năng sáng tạo cũng như tình cảm của thầy cô giáo đối với học sinh, đối với nghề; Những kỷ niệm, những ấn tượng, tình cảm gắn bó sâu sắc đối với ngôi trường mà tác giả hoặc bạn bè, người thân của tác giả đã và đang theo học…
Các tác phẩm dự thi viết bằng tiếng Việt, thể hiện dưới hình thức văn xuôi, mỗi tác phẩm tối thiểu 500 từ (hình ảnh, video minh họa kèm theo nếu có). Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm chưa được sử dụng, chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào, chưa đưa lên các websites, blogs, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter... của các tổ chức, cá nhân; chưa gửi dự thi bất kỳ cuộc thi nào khác. Các tác phẩm dự thi không được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi kết thúc cuộc thi.
Về cơ cấu và giá trị giải thưởng, Ban tổ chức trao 2 giải tập thể; 2 giải Nhất; 4 giải Nhì; 6 giải Ba; 10 giải Khuyến khích; 2 Giải dành cho Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải; Giải thưởng phụ do Ban Tổ chức cuộc thi xem xét, quyết định, tùy tình hình thực tế.
Thời hạn nhận tác phẩm dự thi: từ ngày phát động cuộc thi cho đến hết ngày 31/10/2024. Tác phẩm dự thi gửi vào email: cuocthi.gdtd@gmail.com. Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2024.