Ninh Bình khẩn trương sửa chữa, khắc phục các phòng học xuống cấp

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, hiện toàn tỉnh có 59 phòng học và 19 hạng mục công trình xây dựng xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn cho việc dạy và học cũng như hoạt động khác của các trường học.

Chú thích ảnh
Xây dựng thêm khu lớp học mới cho năm học 2019-2020 ở trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Toàn bộ số phòng học và hạng mục công trình xây dựng này đã được niêm phong không sử dụng để tiến hành xây mới và sửa chữa. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 122 phòng học và 214 hạng mục công trình xây dựng xuống cấp nhẹ. Hiện tại, hệ thống phòng học và công trình xây dựng này đang được các địa phương, trường học khẩn trương sửa chữa, khắc phục để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ năm học mới. 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thầy và trò bước vào năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tổng rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học các cơ sở giáo dục, xây dựng kế hoạch bổ sung theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Các nhà trường đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng bổ sung các phòng học, phòng chức năng còn thiếu, bổ sung trang thiết bị; sắp xếp tận dụng các phòng chức năng, phòng họp làm phòng học, đẩy nhanh tiến độ xây dựng phòng học bổ sung để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, quá tải học sinh/lớp.

Năm học 2019 – 2020, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Ninh Bình đang khẩn trương hoàn thành một số hạng mục công trình để chuẩn bị sẵn sàng bước vào năm học mới. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, do trường được xây dựng từ lâu, nhiều hạng mục đã xuống cấp như khu bếp ăn, khu nhà vệ sinh, nhà xe… khiến việc dạy và học của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng học sinh ngày càng tăng, công trình lại xuống cấp trầm trọng không đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Đón năm học mới, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa và được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhà trường đã xây mới khu bếp ăn 2 tầng, sửa chữa khu nhà vệ sinh, nhà xe, đầu tư một số trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học với kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng. 

Tại Trường Mầm non Đông Thành, thành phố Ninh Bình, thầy và trò đều rất phấn khởi vì năm học 2019-2020 học sinh được học tại ngôi trường mới khang trang, hiện đại trên diện tích gần 6.000 m2 với 24 lớp học và các phòng chức năng, đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, từ nguồn kinh phí trên 50 tỷ đồng trích ngân sách của UBND thành phố Ninh Bình. 

Ông Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Ninh Bình cho biết: Năm học 2018-2019, toàn ngành đã đầu tư sửa chữa, xây mới 506 phòng học, 92 phòng hiệu bộ, 196 phòng chức năng, 204 nhà vệ sinh và 13.061 m2 sân, tường rào với tổng kinh phí gần 273 tỷ đồng. Tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 87,5% tăng 1% so với năm học trước. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho tỉnh bố trí kinh phí cấp bổ sung từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách tỉnh với tổng kinh phí là trên 45 tỷ đồng để hỗ trợ các trường học sửa chữa, mua sắm tăng cường cơ sở vật chất; mua sắm, trang bị phần mềm; thiết bị dạy học; thiết bị, đồ dùng, đồ chơi. 

Chú thích ảnh
Sửa chữa một số phòng học chuẩn bị cho năm học 2019-2020 ở trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2025; kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025. Ngành tiếp tục rà soát cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện có, tham mưu việc xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo các hạng mục công trình xây dựng đảm bảo các cơ sở giáo dục có đủ phòng học, phòng chức năng, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục.

Hải Yến (TTXVN)
Kiên Giang thiếu khoảng 1.000 giáo viên và 1.000 phòng học cho năm học mới
Kiên Giang thiếu khoảng 1.000 giáo viên và 1.000 phòng học cho năm học mới

Trước thềm năm học mới 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang đang chỉ đạo toàn ngành chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên, phối hợp với chính quyền địa phương vận động phụ huynh đưa trẻ trong độ tuổi đến trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN