Nội dung chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An được đưa ra khi những ngày qua nhiều thông tin về việc hội cha mẹ học sinh của một số trường đề ra nhiều khoản thu trái quy định, khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Cụ thể, tại Trường Trung học Cơ sở Hà Huy Tập, thành phố Vinh, phụ huynh của lớp 8H đã nhắn trong nhóm kín của lớp huy động thu 700.000 đồng/học sinh để mua áo đồng phục và kinh phí để chuẩn bị cho tiết mục diễn văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Trong quá trình triển khai, một số phụ huynh trong lớp đã phản đối chủ trương này. Vị phụ huynh này viết: “Em xin phép con em không tham gia. 3 năm học, lần đầu tiên em ý kiến vì số tiền chi quá cao. Có những gia đình nhiều con đi học, đầu năm đã thu bao nhiêu khoản khác, chi 700.000 đồng cho việc này là hơi nhiều”. Tuy nhiên, dù đã đưa ra lý do nhưng đại diện hội vẫn nhắc lại chủ trương và mong các phụ huynh “cố gắng một chút”.
Ngay chiều 24/10, Trường Trung học Cơ sở Hà Huy Tập đã tổ chức họp với hội phụ huynh của lớp và yêu cầu dừng ngay việc triển khai các khoản thu không đúng quy định. Cô giáo Hà Lê Hòa Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã chấn chỉnh giáo viên chủ nhiệm, Ban đại diện phụ huynh về cách thức làm việc. Chủ trương này vừa mới triển khai nên lớp hiện chưa triển khai thu.
Trước đó, tại Trường Trung học Phổ thông Quỳnh Lưu 2, huyện Quỳnh Lưu, Hội phụ huynh nhà trường đã công bố một bản thu - chi của Hội trong năm học 2022 - 2023. Trong đó, có nhiều khoản chi không đúng với hướng dẫn của Thông tư 55 như chi để phục vụ cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, chi mua quà cho các ngày lễ như 20/11, 8/3… Tổng số các khoản thu và chi của Hội phụ huynh trường gần 200 triệu đồng.
Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm tra công tác thu chi, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh tại một số trường học trên địa bàn các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương và yêu cầu Hội cha mẹ học sinh các trường phải thực hiện theo đúng kế hoạch hoạt động của Hội đầu năm đã được phê duyệt. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra về nội dung này. Sở cũng yêu cầu các nhà trường cần có trách nhiệm trong việc giám sát các kế hoạch thu chi của hội theo đúng các văn bản đã hướng dẫn.
Thông tư 55 đã hướng dẫn rất rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm, hoạt động và kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, quy định Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh phải thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến. Vì vậy, với tất cả các khoản thu chi của ban đại diện ở lớp, ở trường, Ban giám hiệu nhà trường cần phải có sự kiểm tra, giám sát tránh thu sai và chi sai trái quy định. Việc thu chi phải có kế hoạch cụ thể trên cơ sở có sự thống nhất và đồng tình của phụ huynh trong lớp, trong trường tránh tạo ra những dư luận xấu trong dư luận.
Ngoài chấn chỉnh tình trạng thu trái quy định của Ban đại diện hội cha mẹ học sinh, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng có văn bản hướng dẫn trong năm học 2023 - 2024, khoản thu tài trợ cho các cơ sở giáo dục (hay còn gọi là xã hội hóa) là khoản thu theo hình thức tự nguyện. Trong đó, theo quy định, việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, nhà trường không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, tuyệt đối không được giao chỉ tiêu vận động tài trợ cho từng lớp (hoặc từng giáo viên chủ nhiệm). Bên cạnh đó, không được lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo (hoặc là điều kiện để đánh giá xếp loại thi đua).
Để việc triển khai các khoản thu xã hội hóa trong nhà trường đảm bảo đúng theo yêu cầu, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm túc 6 bước. Trong đó, bước một, các cơ sở giáo dục phải thống kê, rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất hiện có của đơn vị. Trên cơ sở đánh giá kết hợp với dự báo quy mô phát triển của đơn vị để xác định nhu cầu cơ sở vật chất cần bổ sung. Kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng, dự toán kinh phí và kế hoạch triển khai hoạt động cần tài trợ.
Việc triển khai sau đó, phải báo cáo và được Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trước khi tổ chức thu vận động. Các bước còn lại, phải công khai với phụ huynh tại cuộc họp phụ huynh, thành lập tổ tiếp nhận tài trợ, lập kế hoạch sử dụng tài trợ. Sau khi hoàn thành công việc, các cơ sở giáo dục niêm yết công khai và báo cáo quyết toán kinh phí và kết quả thực hiện với cha mẹ người học, các tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp kinh phí.
Về các khoản thu chi đầu năm học mới, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm, hiện một số trường đã triển khai họp phụ huynh nhưng nhiều nhà trường vẫn chưa triển khai do đang xây dựng kế hoạch trình chính quyền địa phương, Phòng và Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Điều này được xem là một tín hiệu tích cực, cho thấy việc chấp hành nghiêm túc các quy định. Quan điểm của ngành đối với các khoản thu tự nguyện là đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công khai, tự nguyện, không quy định mức thu bình quân, tối thiểu...; đồng thời giãn các khoản thu, tránh tập trung vào dịp đầu năm gây áp lực cho phụ huynh.