Lớp học "đặc biệt" ấy có tên là "Lớp học tình thương" đi vào hoạt động từ tháng 10/2007, do cô giáo Lê Thị Hòa - giáo viên Trường Tiểu học Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) thành lập. Nhận thấy trên địa bàn còn nhiều em nhỏ có vấn đề về sức khỏe không thể đến trường học như bạn bè cùng trang lứa, cô Hòa đã đề xuất thành lập lớp học tại chùa Hương Lan và được sư thầy Thích Đàm Tiền, trụ trì của chùa ủng hộ, đồng hành.
Để thuận lợi cho việc dạy và học, các lớp học chỉ diễn ra vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, duy trì liên tục từ năm 2007 đến nay.
Năm học này, Lớp học tình thương đón 82 học sinh bị nhiều dạng tật, đến từ các địa phương, với độ tuổi khác nhau. Trong đó, các học sinh chưa biết chữ được xếp chung lớp để học kiến thức lớp 1; những học sinh đã biết chữ học chung một lớp, học chương trình từ lớp 2 đến lớp 5.
Các lớp học tình thương được trang bị đầy đủ thiết bị giảng dạy, đồ dùng học tập, nhưng khác biệt ở chỗ, giáo viên vừa đứng lớp, vừa phải dỗ dành, chăm sóc học sinh như chăm trẻ mẫu giáo.
“Nhà tôi có 2 cháu thì cả hai đều bị chậm nói, không biết chữ, mẹ đã bỏ hai đứa để đi lấy chồng mới rồi. Bố cháu đi làm xa, cũng không biết chữ, hàng tháng chỉ có 5 triệu lương. Nghĩ khổ thân quá, cháu lớn năm nay là lớp 8 rồi mà không viết được hết tên mình, đi chơi là không nhớ được đường về, không nhớ được bố và bà nội là ai. Ở đây, các cháu được học, được ăn, được chơi, các cô rất yêu thương và các cháu luôn mong ngóng được đến lớp”, bà Đ. T. T. (66 tuổi, Chi Lê, Trung Hoà, Chương Mỹ) mắt ngân ngấn nước chia sẻ.
Hiện tại, bên cạnh cô Hòa còn có 7 cô giáo tham gia giảng dạy, trong đó 3 cô giáo đã nghỉ hưu. "Với tình thương yêu các cháu khuyết tật, tôi đã tham gia giảng dạy lớp học từ khi chưa nghỉ hưu. Cho đến nay, mỗi cuối tuần tôi vẫn đạp xe đến chùa để giảng dạy cho các cháu", bà giáo Đỗ Thị Nhàn, nghỉ hưu 12 năm qua nhưng hàng tuần vẫn đến lớp, chia sẻ.