Đây là lần đầu tiên bốn cơ quan báo chí đồng tổ chức gặp mặt, tri ân các nhà giáo nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tham dự chương trình có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các Vụ, Cục trực thuộc Bộ, Hội cựu giáo chức Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo bốn cơ quan báo chí: Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tại buổi gặp mặt tri ân có hơn 30 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang trực tiếp tham gia công tác giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, những thầy cô đang giảng dạy tại những trường phổ thông ở nhiều vùng khó khăn trên cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: "Các thế hệ nhà giáo đã nỗ lực khắc phục khó khăn, luôn giữ vững ngọn lửa đam mê, là tấm gương sáng, tận tụy, tâm huyết với nghề. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã hy sinh cả tuổi xuân, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em ở những vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng biên giới, hải đảo. Các nhà giáo cũng được xã hội tôn vinh, trân trọng bởi luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất, tinh thần sáng tạo không ngừng, tiên phong trong việc phát triển tri thức, đổi mới sáng tạo, vững vàng về tư tưởng, mẫu mực về đạo đức, nhân cách, đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Các nhà giáo dạy bảo, dẫn dắt, chỉ đường cho những lớp lớp học trò lớn lên, trưởng thành, vươn lên chinh phục những đỉnh cao tri thức và đóng góp cho xã hội".
Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết: “Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay chính là thời điểm tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đổi mới nhằm thay đổi từ nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất, đạo đức, kỹ năng, tạo dựng một thế hệ người Việt Nam mới vừa giữ được bản sắc dân tộc, nhưng hội nhập quốc tế, trở thành những công dân toàn cầu, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước”.
Những năm qua, bốn cơ quan báo chí luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục, nỗ lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Chặng đường phía trước còn nhiều thử thách, các cơ quan sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành, cũng như của các thầy giáo, cô giáo, là cầu nối, trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn thể nhân dân đóng góp ý kiến, góp phần tạo đồng thuận và niềm tin trong xã hội.
Các thế hệ nhà giáo đã luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, là những tấm gương sáng, tận tụy, tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Mỗi cấp bậc học có những đặc thù riêng. Học sinh mỗi vùng miền có những nét riêng, khi nhắc đến giáo dục vùng dân tộc thiểu số, kinh tế xã hội còn khó khăn, các thầy giáo, cô giáo đã và sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần, luôn tận tâm, gắn bó với trường lớp.
Cô giáo Hoàng Thị Thưu, Trường tiểu học Hương Liên, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh có 27 năm gắn bó với học sinh dân tộc Chứt, một trong số các dân tộc thiểu số của nước ta, chia sẻ: "Đối với học sinh của chúng tôi là con em đồng bào dân tộc Chứt, bên cạnh những nhiệm vụ chung, chúng tôi luôn ý thức và tâm niệm: Dạy học phải sát đối tượng, người dạy phải hướng tới học sinh bằng những hoạt động hết sức cụ thể, tận tình. Vì vậy, trong 27 năm làm nghề dạy học, tôi đã gắn bó, dành thời gian dạy các em học sinh đồng bào dân tộc Chứt. Được sự ghi nhận, động viên, hỗ trợ của Ban Giám hiệu và các thầy cô giáo, chúng tôi đã tìm giải pháp để học sinh chuyên cần đến trường, tự tin giao tiếp với thầy cô, bạn bè, hòa nhập tốt với tập thể, thấy được đến trường vui hơn ở nhà, thích hơn ở bản...".
Cô giáo H’Phen ÊYa, giáo viên Trường mầm non Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông chia sẻ về những khó khăn của giáo viên mầm non vùng khó. Sinh ra, lớn lên và được công tác tại trường Mầm non Ea T'ling, một ngôi trường nhỏ tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jut, cô giáo H’Phen ÊYa cho biết: "Với nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc, giáo dục trẻ, tôi luôn tận tình với các em từng bữa ăn, giấc ngủ, thường xuyên cho trẻ tập luyện để nâng cao thể lực và giảm thiểu tỷ lệ trẻ duy dinh dưỡng, phòng chống các loại dịch bệnh. Bên cạnh đó không ngừng đổi mới, sáng tạo trong phương pháp và hình thức dạy học có hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt là tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi, giúp trẻ ghi nhớ và lưu giữ nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc...".
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Ngày 20/11 là ngày xã hội tri ân tới các nhà giáo và người làm nghề giáo cũng chọn ngày này để cảm ơn tới cuộc đời đã tạo ra một nghề nghiệp đặc biệt, là ngày để những nhà giáo cùng nhìn lại hành trình phấn đấu xứng đáng với sự tri ân của xã hội.
Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang cho biết: "Bốn cơ quan báo chí gặp mặt, tri ân nhà giáo nhân ngày 20/11 hôm nay với mong muốn được bày tỏ tình cảm trân quý đến các thầy cô giáo. Với nhiệm vụ lan tỏa và nhân lên những giá trị tốt đẹp trong xã hội, các cơ quan báo chí đã luôn đồng hành cùng các thầy, cô giáo trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo...".
Đồng chí Vũ Việt Trang nhấn mạnh, thông tin báo chí đã góp phần làm rõ những chủ trương, chính sách, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội để cùng quyết tâm thực hiện những đổi mới trong ngành Giáo dục và Đào tạo, để giáo dục Việt Nam phát huy được nguyên khí hiền tài đất nước và hội nhập với nền giáo dục quốc tế hiện đại. Những nội dung trên đã được TTXVN thông tin sinh động trong nhiều chuyên mục, bằng nhiều loại hình và được công chúng đón nhận. Phóng viên TTXVN thường trú tại các vùng biên viễn xa xôi đã và đang theo sát những thầy, cô giáo bám trường, bám bản, hết lòng vì học sinh thân yêu, để xã hội thêm yêu mến và trân trọng hai chữ Thầy Cô!.