Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ, lịch sử là môn học cực kỳ quan trọng, giúp người học hình thành lòng yêu nước, bản lĩnh văn hóa và trở thành công dân tích cực. Kiến thức môn lịch sử hiện rất cần được coi trọng để gìn giữ bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đáng lo ngại đang đặt ra là tình trạng "lỗ hổng" kiến thức, thiếu hứng thú với bộ môn lịch sử ở học sinh và chất lượng dạy học chưa được như kỳ vọng.
Với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và đông đảo giáo viên bộ môn lịch sử trên địa bàn tỉnh, hội thảo là dịp để các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ về thực trạng dạy và học lịch sử ở các trường trung học phổ thông; từ đó tìm ra giải pháp đổi mới đào tạo giáo viên lịch sử đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới; xây dựng khung đánh giá thành phần năng lực nhận thức và tư duy lịch sử của học sinh theo Chương trình môn lịch sử năm 2022; phát triển năng lực giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học lịch sử hiện nay…
Có 40 tham luận được gửi về hội thảo, trong đó có 20 tham luận được Ban Tổ chức lựa chọn, biên tập và in kỷ yếu. Các bài viết tập trung vào 3 nội dung chính bao gồm: những vấn đề chung, phương pháp dạy học bộ môn lịch sử và vận dụng phương pháp dạy học lịch sử ở địa phương.
Nhìn từ kinh nghiệm dạy học môn lịch sử ở một số quốc gia trên thế giới cũng như quá trình dạy học qua các thời kỳ tại Việt Nam, các đại biểu đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến thực trạng học sinh chưa hiểu được tầm quan trọng và thiếu yêu thích đối với môn học này. Đó là việc học đối phó môn lịch sử ở học sinh; tác động của tình trạng văn hóa phim ảnh các quốc gia tràn lan vào Việt Nam; khối lượng kiến thức lịch sử có quá nhiều sự kiện, con số, nhân vật… trong nội dung chương trình học và trình độ, năng lực truyền đạt của các giáo viên lịch sử chưa đồng đều.
Hội thảo ghi nhận nhiều đóng góp bám sát thực tiễn từ các giáo viên, giảng viên nhằm tìm ra giải pháp giúp học sinh, sinh viên học tốt, say mê nghiên cứu lịch sử. Hầu hết các đại biểu cho rằng, cần phát triển chương trình đào tạo ngành sư phạm lịch sử ở Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), ứng dụng hệ thống phần mềm hỗ trợ kiểm tra, đánh giá trong dạy học phân môn lịch sử. Với lợi thế là nơi còn lưu giữ nhiều di tích của Bác Hồ, di tích lịch sử, quần thể di tích Cố đô Huế và hệ thống các bảo tàng, ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên - Huế nên tổ chức dạy theo phương pháp thực hành hay xây dựng chương trình trải nghiệm thực tế, nhằm khơi nguồn cảm hứng dạy, học cho giáo viên và học sinh. Mặt khác, địa phương cũng cần xây dựng kênh thông tin tư liệu để phục vụ việc giáo dục lịch sử trong trường học.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Tân, chất lượng dạy học bộ môn lịch sử ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn đã có cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Dù có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, nhưng thành tích chung và kết quả bộ môn lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông chưa cao. Đây là điều trăn trở đối với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Do đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế mong muốn các thầy, cô giáo tại Hội thảo sẽ là người lan tỏa tinh thần đổi mới phương pháp dạy học bộ môn lịch sử đến đội ngũ giáo viên lịch sử trên toàn tỉnh. Đồng thời, qua Hội thảo, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ có nhiều kinh nghiệm để tổ chức, đổi mới phương pháp dạy học, đầu tư phù hợp, phát huy lợi thế của địa phương trong việc dạy học bộ môn lịch sử giai đoạn hiện nay.